Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, cần phải loại bỏ những kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực ra khỏi bộ máy lãnh đạo, nếu không sẽ rất nguy hại.
Nhận diện khó nhưng không phải là không thể
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều tiêu chuẩn của uỷ viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó, có nói đến vấn đề cơ hội và tham vọng quyền lực. Vậy cơ hội và tham vọng quyền lực được hiểu như thế nào, thưa ông?
Những kẻ cơ hội chính trị có thể được hiểu là những người không trung thực, chỉ xun xoe, nịnh bợ, “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Xun xoe để mình được để ý, cất nhắc đề bạt thăng chức. Kẻ cơ hội chính trị không trong sáng, không trung thực.
Còn cán bộ tham vọng quyền lực thì sẽ tìm mọi cách để có chức, có quyền để vì lợi ích riêng, với mục đích cá nhân.
Những kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực này nếu vào Trung ương thì chỉ vì lợi ích cá nhân, không phải là vì Đảng, vì tập thể, vì nhân dân mà chỉ vì cá nhân, sẽ làm cho công tác cán bộ gặp khuyết điểm.
Vậy nhận diện những kẻ cơ hội chính trị và tham vọng quyền lực có khó không, thưa ông?
Khó chứ. Bởi vì nó thuộc vấn đề tư tưởng, nhận thức, thuộc vấn đề quan hệ xã hội chứ nó không biểu hiện thẳng ra như việc hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, tham nhũng hay không tham nhũng.
Ở đây, kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực là cơ hội, là lươn lẹo, ẩn mình, phấn đấu, tìm mọi cách để thăng quan, tiến chức, tất cả đều vì mục đích cá nhân, nên nhận diện sẽ khó hơn.
Nhưng “ở lâu thì sẽ biết đêm dài”, người ta theo dõi nhiều năm thì người ta sẽ hiểu, ai là người trung thực hay là cơ hội, thì họ sẽ biết thôi. Như kẻ cơ hội chính trị là kẻ hôm nay nói thế này, mai lại nói thế khác, gặp người này nói thế này, gặp người khác lại nói thế khác. Đấy là biểu hiện rõ nhất.
Nhân dân chung tay giám sát tài sản quan chức
Vừa qua Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “không để lọt cán bộ giàu nhanh bất thường vào Trung ương”. Vậy làm thế nào để phát hiện ra những vị cán bộ “có biểu hiện giàu bất thường” thưa ông?
Trong kê khai lý lịch, tài sản của cán bộ thì tổ chức Đảng phải đi kiểm tra, giám sát việc kê khai ấy. Hơn nữa. việc giám sát khai báo đó cần có sự chung tay của nhân dân. Bởi nhân dân chính là tai mắt trong việc giám sát tài sản của quan chức.
Ví dụ như một ông quan chức của địa phương nọ thì về hỏi hàng xóm, người dân của vị này chắc hẳn phần nào sẽ biết ông này đi xe gì, ở nhà thế nào?
Hiện nay có hiện tượng cán bộ có tài sản nhưng không khai báo hết, họ dựa vào vợ, chồng, con cháu, cha mẹ để đứng tên các tài sản. Điều này phải kiểm tra người thân của vị này làm gì mà có tài sản lớn như vậy?
Những vị cán bộ có những tài sản lớn bất thường thì phải được làm rõ và công khai minh bạch, tránh hình thức rồi sau đó hợp thức hóa bằng những giải thích không hợp lý như “buôn cái này, bán cái kia” để có tài sản như vậy.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến Đại hội toàn quốc của Đảng, việc cần tập trung làm trong lựa chọn nhân sự hiện nay là gì, thưa ông?
Thời điểm này, có lẽ về công tác lựa chọn nhân sự chúng ta đã làm cơ bản rồi. Hội nghị Trung ương 12 đang diễn ra cũng đang bàn luận về công tác nhân sự cho kỳ Đại hội XIII sắp tới.
Từ nay đến đại hội là một quá trình để ghi nhận, xem xét điều đó. Với những cán bộ trong quy hoạch thuộc diện Trung ương quản lý, thực ra chúng ta đã lựa chọn họ rất kỹ trong quá trình quy hoạch.
Họ cũng đã được đào tạo, bồi dưỡng rồi, vậy bây giờ nhìn nhận họ, theo dõi họ có tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân trên cương vị của mình được giao hay không, có né tránh, ngại va chạm, để mặc phó cho những cơ quan, cán bộ cấp dưới chậm xử lý hay không.
Số người sẽ được giới thiệu vào Trung ương thông thường mỗi tỉnh chỉ từ 2-3 người. Tập trung vào họ, nói đúng ra là đánh giá nhân sự 2-3 người này là chính, xem trong quan hệ gia đình, công việc, có sân sau, sân trước gì không, cái này có nhiều kênh đánh giá, giám sát.
Hội nghị Trung ương thứ 12, khóa XII diễn ra từ ngày 11 - 14/5/2020 bàn và quyết định về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Số lượng, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019;Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến Hội nghị Trung ương 12 khóa XII; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận