Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp |
Sáng 22/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.
Nhiều thủ tục chồng chất
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, một trong những điểm nghẽn đối với sự phát triển được Đảng xác định là thể chế. Vừa qua, Chính phủ cũng đã nỗ lực xây dựng, trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, điều đó mới đáp ứng một phần yêu cầu phát triển đất nước, bởi vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc xây dựng thể chế, pháp luật. “Chính điểm nghẽn đó nên Chính phủ tập trung vào thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh và lý giải vì sao trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, phần đầu luôn tập trung vào công tác xây dựng thể chế, “nhưng vẫn làm không hết”. Đó cũng là lý do Chính phủ tổ chức họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tập trung vào 9 nội dung.
Phát biểu tại cuộc họp, dẫn chứng Luật Đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ đánh giá luật được xây dựng công phu, nhưng thủ tục vẫn rất phức tạp nên khó giải ngân. Cũng theo Thủ tướng, thực tế nhiều luật vẫn có sự trói buộc lẫn nhau. “Và đặc biệt khi chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính rất mạnh mẽ, thì có luật đưa ra lại “đẻ” thêm thủ tục, quyền hạn của Bộ mình, ngành mình, “phải qua mình”, nên thủ tục chồng chất nhiều. Một số nội dung cũng chưa sát với thực tiễn”, Thủ tướng đáng giá. Do đó, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là phải tháo gỡ để thể chế pháp luật, chính sách sát hơn cuộc sống, thực hiện đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, Bộ Công thương cần rà soát kỹ thêm về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để không chồng chéo với các luật khác. Về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần về tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và nêu rõ việc không thành lập tổ chức bộ máy mới. Thủ tướng quán triệt tinh thần tất cả bộ, ngành liên quan không đưa quy định về tổ chức bộ máy vào luật để “đẻ” thêm bộ máy.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã rà soát bước đầu và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về điều kiện đầu tư kinh doanh trong 3 lĩnh vực: Công thương, GTVT và KHCN. Theo đó, VCCI kiến nghị bỏ 56 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 5/28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực của Bộ Công thương; bỏ 27 điều kiện và sửa đổi 4 điều kiện của 4/29 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ GTVT; bỏ 13 điều kiện và sửa đổi 5 điều kiện của 5/8 ngành nghề thuộc lĩnh vực của Bộ KH&CN. |
Về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có kết cấu gồm 6 chương với 76 điều và 5 phụ lục nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đặc khu là: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chính sách phải thông thoáng hơn, ưu đãi hơn, vượt trội hơn. Nếu không thông thoáng, vượt trội, khác biệt, ưu thế hơn thì không có tác dụng.
Đối với đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội do Bộ VH,TT&DL trình, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về công tác lễ hội và việc tổ chức dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, còn tồn tại bất cập, hạn chế như còn hành vi bạo lực, hủ tục, lạc hậu, phản cảm, lãng phí, hình thức, bị thương mại hóa, mất an ninh trật tự…
Thảo luận về báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất của các bộ, cơ quan về xây dựng các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng cho biết, một số bộ còn chậm báo cáo về công tác này.
Thủ tướng cũng yêu cầu kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. “Việc sửa đổi các luật liên quan đến các lĩnh vực là rất cấp bách. Các bộ trưởng cần nhận thức rõ tinh thần đó để tập trung chỉ đạo. Các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi”, Thủ tướng yêu cầu.
Kiến nghị bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh
Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận về báo cáo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của VCCI và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT trình Chính phủ tại phiên họp này, Bộ KH&ĐT đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở doanh nghiệp lâu nay. Trong đó, đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.
Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác, bộ này cũng kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tại cuộc họp cũng cho thấy, hiện có khoảng 4.284 điều kiện kinh doanh, ứng với 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong số này, Bộ Công thương có số lượng điều kiện kinh doanh nhiều nhất với 1.152 điều kiện; kế đến là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế... Theo đánh giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh này đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gia tăng chi phí sản xuất, làm nản lòng các doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận