Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam" trong khuôn khổ Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020 diễn ra ngày hôm nay (25/8), ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ: Thời gian qua, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã tạo ra nhiều lượng điện năng phát lên lưới. EVN đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào, đảm bảo cung - cầu năng lượng.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển ĐMTMN, các Tổng Công ty Điện lực đã công khai các quy trình, thủ tục, khả năng giải toả công suất của từng trạm biến áp và tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư ĐMTMN trong quá trình ký thoả thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện.
Tính đến ngày 23/8, toàn quốc có tổng 45.299 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã đi vào vận hành, công suất 1.029 MWp, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh, giảm phát thải khoảng 457.132 tấn khí CO2 (tương đương 77.257 TOE).
Dự kiến, tiềm năng có thể lên tới gần 50.000 MW công suất, tổng công suất điện mặt trời nói chung đã là trên 400 GWp.
Hiện nay, Viện năng lượng của Bộ Công thương đang xây dựng đề án Quy hoạch, phát triển Năng lượng tái tạo quốc gia, trong đó có đề cập đến tiềm năng phát triển điện mặt trời nói chung. Trong đó, riêng ĐMTMN tiềm năng có thể lên tới gần 50.000 MW công suất.
Đây là tiềm năng rất lớn mà trong giai đoạn tới chúng ta cần có giải pháp đột phá, hướng tới mục tiêu đạt được lượng công suất lắp đặt này trên toàn quốc bởi việc phát triển ĐMTMN ngoài hiệu quả về kinh tế, đầu tư, tiết kiệm năng lượng thì còn tham gia tích cực vào bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Nguyên đánh giá, loại hình này còn mới so với thị trường Việt Nam, nên một số khách hàng dù biết tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà rất tốt nhưng để họ đầu tư, lựa chọn sản phẩm, thiết bị chất lượng cao, chọn nhà thầu lắp đặt, thu xếp vốn đầu tư thì vẫn còn chưa rõ và ngần ngại.
Về chi phí lắp đặt, giá thiết bị ĐMTMN đã giảm đáng kể trong 2 năm gần đây so với các năm trước. Dù vậy, với vật tư thiết bị chất lượng cao, 1 kWp công suất của hệ thống ĐMTMN có thể từ 15-20 triệu đồng.
Như vậy, chi phí vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, đặc biệt là với hộ gia đình đang có thu nhập thấp đến trung bình.
Trước thực tế đó, EVN kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, cơ chế, gói hỗ trợ giảm thiểu chi phí lắp đặt, vận hành…, từ đó mới có khả năng nhân rộng điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là đối với đối tượng các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công thương sớm nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách gối đầu tiếp theo nhằm phát triển ĐMTMN tại Việt Nam. "Để đạt được kỳ vọng đến năm 2035 Việt Nam đạt 30.000 MWp công suất ĐMTMN thì câu chuyện chính sách hết sức quan trọng", ông Nguyên nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận