Đấu giá đất bằng hình thức nói để đảm bảo minh bạch
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định có 4 hình thức đấu giá, gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, cuối cùng là đấu giá trực tuyến. Đồng thời, Luật này cũng quy định có 2 phương thức đấu giá: Phương thức trả giá lên và phương thức trả giá xuống.
Hình ảnh một phiên đấu giá đất bằng hình thức bỏ phiếu kín tại Đông Anh
Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản 2016 không quy định việc áp dụng hình thức đấu giá, phương thức đấu giá đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại. Chính vì vậy, đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua có hiện tượng bị lạm dụng, trong đó có việc "thổi" giá đất, gây bất ổn thị trường bất động sản.
Để khắc phục những tồn tại này, HoREA kiến nghị, đối với trường hợp Nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại thì nên áp dụng đấu giá bằng hình thức trả giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.
Chủ tịch HoREA cho rằng, khi áp dụng 2 hình thức này sẽ đảm bảo kết quả đấu giá công khai, trung thực trước sự chứng kiến của nhiều bên. Tuy nhiên, đi đôi với nó là quy định, nghiêm cấm các hành vi thông đồng, móc nối, hoặc để lộ thông tin nhằm mục đích trục lợi, hoặc nhận hối lộ, làm sai lệch thông tin, làm sai lệch hồ sơ hoặc kết quả đấu giá, dẫn đến "đấu giá cuội", "đấu giá có quân xanh, quân đỏ".
"Rất cần thiết bổ sung Điều 40 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định áp dụng "hình thức đấu giá", "phương thức đấu giá" đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật", ông Châu đề xuất.
Điều kiện đấu giá: Đất phải có quy hoạch chi tiết
Bên cạnh đó, HoREA cũng kiến nghị bổ sung quy định về điều kiện đất đưa vào đấu giá để phù hợp hơn với thực tiễn.
Theo HoREA, Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định điều kiện thực hiện đấu giá đất, khu đất "phải có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn" chưa bao quát hết đối tượng. Quy định này chỉ đúng với thửa đất, khu đất có diện tích nhỏ. Nó không phù hợp đối với trường hợp đấu giá đất để thực hiện dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn có diện tích lớn từ 20 ha, hoặc 50 ha trở lên. Bởi quy hoạch 1/500 đối với những thửa đất lớn 20ha, 50ha rất tốn chi phí và thời gian, có thể không phù hợp với đơn vị tham gia đấu giá. Cuối cùng quy định đó dẫn đến phiên đấu giá tổ chức tốn kém lại không hiệu quả.
Do vậy, rất cần thiết bổ sung điều kiện của thửa đất, khu đất đưa ra đấu giá "phải có quy hoạch chi tiết 1/500" hoặc "có quy hoạch phân khu 1/2000" thay vì chỉ quy định có quy hoạch 1/500, ông Châu nói.
Trước đó, Báo Giao thông đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về tình trạng lợi dụng đấu giá đất để "thổi" giá. Trong đó có bài "Đất ngoại thành gần 100 triệu/m2, cẩn trọng chiêu trò "đẩy" giá ảo". Theo đó, những lô đất đưa ra đấu giá được trả cao từ 2-3 lần so với giá khởi điểm.
Đáng nói, khi chưa biết người trúng đấu giá có thực hiện các bước tiếp theo để nhận đất hay không. Nhưng những thửa đất xung quanh khu vực đấu giá lấy kết quả đấu giá làm tham chiếu, tăng giá "phi mã".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận