Xã hội

Kiến nghị dừng các phiên tòa xét xử lưu động

01/02/2018, 11:03

Sáng 31/1, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi họp báo đầu năm 2018 do TAND Tối cao tổ chức.

24

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi họp báo

Đề cập đến nội dung về các phiên tòa xét xử lưu động vẫn tổ chức từ trước đến nay, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, các phiên xét xử lưu động có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay, công nghệ thông tin và truyền thông báo chí đã khiến tác dụng này giảm dần. Khi tòa án tối cao công khai bản án trên mạng, người dân có thể dễ dàng tiếp cận vụ án và có tác dụng tuyên truyền.

Bên cạnh đó, mỗi năm ngân sách của ngành tòa án phải chi ra 70 tỷ đồng cho việc tổ chức các phiên tòa lưu động, chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ. Việc tổ chức bảo vệ cho các bị can, bị hại, người làm chứng ở những nơi xét xử lưu động như hội trường, nhà văn hóa, siêu thị, chợ đông người hết sức khó khăn. “Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực thì chưa phải tội phạm. Việc mang xét xử lưu động sẽ ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Nhiều vụ án xét xử lưu động đã khiến các cháu có hành động quá khích, bỏ nhà đi bụi đời. Như vậy, vô hình trung đã tạo ra cho xã hội hậu quả đáng tiếc”, ông Bình phân tích.

Từ thực tế đó, ông Bình cho biết, TAND Tối cao đã báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép tổng kết lại việc tổ chức phiên tòa lưu động trong suốt thời gian qua. Dự kiến, tháng 7/2018, TAND Tối cao sẽ có báo cáo về vấn đề này. “Quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là không tổ chức phiên tòa lưu động theo thông lệ quốc tế”, ông Bình nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo, báo chí đặt câu hỏi cho Chánh án Nguyễn Hòa Bình về việc 2 năm chưa thỏa thuận xong việc bồi thường cho người bị oan sai suốt 41 năm là cụ Trần Văn Thêm (80 tuổi, ở Yên Phong, Bắc Ninh). Ông Bình khẳng định, đây là vụ án mà TAND Tối cao phát hiện sai phạm, đã yêu cầu dừng lại từ lâu nhưng không có kết luận cuối cùng, dẫn tới kéo dài tình trạng bị can của ông Thêm mấy chục năm.

“Khi anh em đưa vụ án cho tôi, tôi chỉ đạo dừng ngay. Tôi cũng trực tiếp mời luật sư của gia đình ông Thêm, trực tiếp gặp ông Thêm, xác định đây là vụ án oan. Để đi tới khẳng định ông Thêm bị oan là một quá trình làm việc nghiêm túc, có họp liên ngành, nghiên cứu hồ sơ. Đến nay, cơ quan liên quan đã tổ chức xin lỗi và bây giờ chỉ còn việc giải quyết bồi thường”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hạn chế hiện nay là những quy định của Bộ Tài chính về chứng từ, hóa đơn rất ngặt nghèo, tòa án không thể vượt qua được những quy định đó. “Các thẩm phán rất giỏi xét xử nhưng không có nhiều chuyên môn về tài chính. Hóa đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì chúng tôi không được làm. Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan trao đổi với gia đình ông Thêm”, ông Bình thông tin.

Đồng tình với việc những người như ông Thêm không thể tích trữ, bảo quản từng hóa đơn trong những lần đi kêu oan, nên Chánh án tòa tối cao đề nghị các cơ quan cần vận dụng có lợi nhất cho người bị oan sai.

“Tới giờ này chúng tôi cũng hết sức cố gắng, với sự thiện chí và cảm thông với nỗi oan nên thỏa thuận đã hoàn tất. Hồ sơ bồi thường đang báo cáo Bộ Tài chính chờ thẩm định. Hy vọng việc bồi thường diễn ra sớm”, ông Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.