Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 về Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tính đến giữa tháng 11/2023, toàn tỉnh đã đo đạc, kiểm đếm, áp giá 1.811 hộ và tổ chức bị ảnh hưởng dự án cao tốc.
Giải phóng mặt bằng đạt 96%
Qua đó, Ban đã phê duyệt phương án đền bù 1.778/1.811 hộ, đạt 98% và đã chi trả cho 1.753/1.811 hộ, tổ chức, đạt 97% tổng số hộ bị ảnh hưởng toàn dự án.
Tổng diện tích đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng 316,8/331ha diện tích thu hồi, đạt 96%.
Ban đã triển khai xây dựng bốn khu tái định cư gồm: thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề), xã Mỹ Hương và xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú), đã cơ bản hoàn thành, đang lập thủ tục bàn giao; xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) đạt khối lượng 90%, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11.
Đối với Gói thầu số 11, thi công xây lắp đoạn Km 159+500 - Km 174+000 (đã khởi công xây dựng từ ngày 17/6/2023), khối lượng thi công không đáng kể (10/2.290 tỷ đồng), do thiếu nguồn cát.
Theo đánh giá của chủ đầu tư, nhìn chung các bước triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo các mốc thời gian yêu cầu tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ và kế hoạch chi tiết của tỉnh.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn cát nên đến nay khối lượng gói thầu đã khởi công đạt được không đáng kể.
Theo hồ sơ dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ Sóc Trăng giai đoạn 1, nhu cầu sử dụng cát khoảng 8 triệu m3 để đắp nền đường, 0,58 triệu m3 cát vàng, 1,135 triệu m3 đá các loại, 0,82m3 triệu m3 đất đắp.
"Theo quyết định phê duyệt dự án, khi triển khai thực hiện dự án nghiên cứu sử dụng cát tại các mỏ trong tỉnh. Tuy nhiên đến nay chưa có mỏ cát nào được cấp phép hoạt động.
Do vậy các nhà thầu mới triển khai công tác đào nền và đắp đường công vụ, chưa có vật liệu cát để đắp do các thủ tục "đến" mỏ cát chưa hoàn thành", Ban Quản lý dự án 2 nêu khó khăn.
Rút ngắn thủ tục giao mỏ cát và cho phép mua cát thương mại
Ban Quản lý dự án 2 cho rằng, theo Nghị quyết 91 của Chính phủ quy định việc giao mỏ cho nhà thầu chỉ thực hiện đối với các mỏ đã có trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu nhưng chưa có giấy phép khai thác.
Còn các mỏ đất, đá, cát vàng trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu đều là những mỏ đã cấp phép và đang được khai thác ở địa bàn các địa phương khác. Do vậy việc thực hiện thủ tục để xin giao mỏ là không khả thi. Vì vậy, Ban kiến nghị mua thương mại như các dự án khác.
Trước khó khăn trên, Ban Quản lý dự án 2 kiến nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục để sớm tham mưu UBND tỉnh giao mỏ cát cho nhà thầu thi công.
Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn cát thương mại hợp pháp tại các mỏ có phép ngoài tỉnh để ưu tiên thi công đường công vụ và một số hạng mục bức thiết khác trong thời gian đợi giao mỏ cát, để đáp ứng tiến độ thực hiện dự án.
Ban Quản lý dự án 2 cũng kiến nghị Ban chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét thống nhất việc mua đá, cát vàng, đất... tại các nguồn hợp pháp (theo các dự án trọng điểm khác đang triển khai) để thi công xây dựng công trình.
Đồng thời, làm việc với các tỉnh bạn để đảm bảo nguồn cung cho dự án, trường hợp cần thiết có thể đề nghị nâng công suất khai thác theo quy định.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo để đánh giá tiến độ triển khai dự án hôm 17/11, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, tiến độ xây dựng cao tốc hiện rất chậm vì thiếu cát lấp nền.
"Vì vậy, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương hoàn thành các thủ tục để giao mỏ cát cho các nhà thầu. Trong đó lưu ý, khi bàn giao mỏ cát phải có văn bản cụ thể và đảm bảo quy trình, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật", ông Lâu lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động các hộ dân sớm nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc đảm bảo trước ngày 31/12/2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận