ĐB Đặng Ngọc Tùng đề nghị QH chưa thông qua Luật BHXH do còn chưa khắc phục được tình trạng bất bình đẳng giữa lao động trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Ảnh: NLĐ |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về dự Luật BHXH sửa đổi, ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng, người lao động khi lĩnh lương coi như đã đóng xong BHXH và chủ DN không nộp BHXH đó cho cơ quan BHXH đó là trách nhiệm của chủ DN. Nhưng người lao động không được hưởng chế độ vì lý do mà cơ quan BHXH đưa ra là DN chưa đóng BHXH.
“Tại sao người lao động lại bị bắt làm “con tin” như vậy? trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, có khắc phục được tình trạng này hay không? Tôi đọc không thấy điều nào khắc phục tình trạng này hết” - ông Tùng khẳng định.
Ông Tùng cho rằng, mọi công dân và mọi người lao động đều bình đẳng trước pháp luật. “Bộ trưởng là Trưởng ban dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình ra QH, Bộ trưởng có thấy rằng trong dự thảo trình ra có sự ưu tiên cho những người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước, mà xem nhẹ quyền lợi của những người lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước hay không? Nếu thấy thì Bộ trưởng có đồng tình với sự bất bình đẳng này hay không?” - ông Tùng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.
"Tôi cũng kiến nghị với Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chưa thông qua dự Luật BHXH vào ngày 20/11 tới. Tôi đề nghị không phân biệt quyền lợi bảo hiểm của lao động trong và ngoài khu vực Nhà nước", ĐB Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh. ĐB Tùng cũng đề nghị Chủ tịch QH chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa lại theo hướng mọi người lao động tham gia BHXH thì phải được hưởng quyền lợi như nhau, không phân biệt khu vực trong hay ngoài Nhà nước.
Ngay sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời ngay kiến nghị của ĐB Đặng Ngọc Tùng. Chủ tịch QH nói, kiến nghị của ĐB Đặng Ngọc Tùng nếu hợp lý, xác đáng thì Thường vụ QH, Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu tiếp tục báo cáo QH trong kỳ họp này. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, lúc này không đặt vấn đề thông qua hay chưa thông qua. "Tôi đồng ý là phải có bình đẳng giữa những người lao động trong các khu vực", Chủ tịch QH nói và cho rằng, vấn đề cần được xử lý trước khi QH thông qua dự Luật BHXH.
Trước đó, trả lời vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội được ĐB Ngô Văn Minh chất vấn, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo báo cáo, tổng số nợ đọng bảo hiểm là 12.000 tỷ, trong đó nợ BHXH 7.000 tỷ và bảo hiểm thất nghiệp hơn 600 tỷ.
Bà Chuyền nói, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng trên là do trách nhiệm của chủ sở hữu lao động. "Một số DN còn khó khăn, ngay cả tiền lương cho lao động còn khó nên phần đóng bảo hiểm cho công nhân cũng khó", Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.
Còn về trách nhiệm của Bộ, bà Chuyền cho biết là do cơ chế xử phạt các DN nợ đọng còn nhẹ, dẫn đến DN cố chây ỳ không đóng bảo hiểm vì nợ bảo hiểm còn hơn đi vay lãi ngân hàng. "Chúng tôi theo dõi và đến tháng 8, tháng 9 này, số nợ đã giảm hơn 200 tỷ đồng", bà Chuyền nói.
Qua thanh tra, Bộ chỉ nắm được một số trường hợp trốn bảo hiểm. Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương cùng vào cuộc để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình trốn, chây ỳ BHXH.
Cao Sơn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận