Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp chiều nay (10/10) |
Báo cáo về tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án được khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2000 đến năm 2007 đã hoàn thành toàn bộ đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.350km. Từ cuối năm 2008, bắt đầu triển khai xây dựng các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2 để nối thông toàn tuyến với chiều dài khoảng 1.393km, đến nay đã hoàn thành được 479km, đạt 34,3%. Các dự án hoàn thành bàn giao đều được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt yêu cầu và chấp thuận nghiệm thu. Theo ông Hoàng, hiện dự án còn 6 dự án thành phần chưa được triển khai thi công với chiều dài 358km, tổng mức đầu tư 35.534 tỷ đồng. "Để phát huy hiệu quả KT-XH, tăng cường đảm bảo an ninh, quốc phòng và tránh tăng tổng mức đầu tư, sắp tới Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội cho phép bố trí khoảng 2.381 tỷ đồng vốn tiết kiệm còn dư của các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để sớm đầu tư một số đoạn của dự án này. Các đoạn còn lại sẽ tiếp tục đầu tư sớm khi có vốn tiết kiệm tiếp theo và đầu tư theo đúng tiến độ sau năm 2016", ông Hoàng nói. Thông tin về các dự án thực hiện theo hình thức BT, ông Hoàng cho biết, tiến độ triển khai các dự án này cơ bản đáp ứng yêu cầu, riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn do đang nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư từ BT sang hình thức BT kết hợp BOT nên sẽ triển khai xây dựng vào đầu năm 2015, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2017. "Tiến độ triển khai và hoàn thành của các dự án thành phần trong giai đoạn từ năm 2014-2016 cơ bản đã đáp ứng đúng và vượt yêu cầu của Quốc hội đã đề ra", ông Hoàng cho hay. Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, khi xây dựng báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan của Bộ GTVT cần phải làm rõ trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ, chất lượng, hiệu quả của dự án... "Những dự án thành phần nào đã vượt tiến độ và vượt bao nhiêu thời gian so với yêu cầu của Quốc hội cần phải nói rõ. Trong báo cáo khẳng định dự án không đội vốn thì phần vốn dư cần đề xuất để đầu tư những dự án nào tiếp theo cũng phải nêu cụ thể", Bộ trưởng yêu cầu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu, khi lập báo cáo về dự án đường Hồ Chí Minh cần phải làm rõ có những dự án thành phần nào đã chuyển đổi hình thức đầu tư từ vốn trái phiếu Chính chủ sang hình thức BOT, số tiền chuyển đổi của các dự án là bao nhiêu, những dự án đã hoàn thành phải nêu ra hiệu quả cụ thể,... Tiếp đó, sau khi nghe Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng trình bày về tình hình triển khai hai dự án Nâng cấp mở rộng QL1, dự án Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các cơ quan của Bộ khi xây dựng báo cáo về hai dự án này cần phải rõ ràng, chi tiết và mạch lạc. "Đây là những báo cáo của Chính phủ với Quốc hội nên cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần kiến nghị với Quốc hội, cần phải làm rõ. Đặc biệt, trong báo cáo về ba dự án này đều phải có kiến nghị với Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH của các tỉnh có dự án đi qua cần tiếp tục tham gia giám sát dự án", Bộ trưởng yêu cầu.
Đình Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận