Sở GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất thí điểm triển khai sử dụng thiết bị cân tải trọng xe tự động để xử phạt khi xe, người lái xe và chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm đối với trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 tại khu vực cầu Ông Lớn (hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh đi quận 7) và trạm kiểm tra tải trọng xe số 6, 7 tại khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc.
Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố giao Sở chủ trì, phối hợp với Công an thành phố triển khai thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng xe tự động để xử phạt khi xe, người lái xe và chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm đảm bảo tuân thủ theo quy định nhằm thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.
Đồng thời, giao Công an TP.HCM chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT và các lực lượng liên quan trong quá trình triển khai thí điểm tại trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 tại khu vực cầu Ông Lớn và trạm kiểm tra tải trọng xe số 6, 7 tại khu vực trạm thu phí An Sương - An Lạc.
Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 tại khu vực Cầu Ông Lớn.
Theo Sở GTVT, giai đoạn 2016 - 2022, đã phối hợp với các lực lượng liên quan thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe tập trung các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng; triển khai lắp đặt biển cảnh báo về kiểm soát tải trọng; đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động; công bố tải trọng,… Triển khai nhiệm vụ kiểm soát tải trọng theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Hiện nay, hệ thống các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn được lắp đặt và đưa vào hoạt động từ năm 2016 tại 6 vị trí bao gồm: Trạm kiểm tra tải trọng cầu Giồng Ông Tố, trạm kiểm tra tải trọng cầu Kỷ Hà I, trạm kiểm tra tải trọng cầu Ông Lớn (2 trạm theo 2 hướng lưu thông) và trạm kiểm tra tải trọng tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (2 trạm theo 2 hướng lưu thông).
Giai đoạn này, đã kiểm tra 10.091 lượt xe, phát hiện và lập biên bản 6.912 trường hợp đối với 3.470 phương tiện vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép, với tổng số tiền xử phạt là hơn 100 tỷ đồng.
Từ tháng 11/2020 đến nay, Sở GTVT đã triển khai thí điểm xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình 1 cấp cân tại các trạm cân cầu Ông Lớn (trạm 3- hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh đi Quận 7), trạm thu phí An Sương - An Lạc (trạm 6 và 7 theo cả 2 hướng lưu thông). Kết quả đã kiểm tra 3.819 phương tiện và lập biên bản 1.008 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là hơn 22 tỷ đồng.
Ngoài các mặt đạt được, hạn chế hiện nay là về nhân sự thực hiện công tác kiểm tra xử lý. Sở GTVT bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm tại các trạm là 6 người/ca (trong đó có 4 thanh tra viên và 2 nhân viên kỹ thuật) làm việc 3 ca, 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần tại 6 trạm.
Từ tháng 10/2017, các lực lượng như CSGT, lực lượng Thanh niên xung phong đã ngưng việc phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện tại các trạm kiểm tra tải trọng thứ cấp.
Do đó, hiện nay, chỉ còn thanh tra giao thông và nhân viên kỹ thuật nên công tác đảm bảo hoạt động 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, công tác đảm bảo an ninh trật tự và kiểm tra, xử lý vi phạm đang gặp khó khăn.
Việc triển khai kiểm tra tải trọng phương tiện hiện nay đang được thực hiện theo mô hình cân 2 cấp và cân 1 cấp theo hướng của Bộ GTVT. Tuy nhiên, với đặc thù thành phố có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, đa số các tuyến đường trong đô thị có mặt cắt ngang nhỏ, nên việc bố trí lực lượng dừng xe kiểm tra tải trọng trên đường khó khăn, nhiều trường hợp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, các lực lượng chức năng không thể dừng xe yêu cầu thực hiện bước cân thứ cấp mặc dù hệ thống cân sơ cấp đã báo hiệu phương tiện có dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh đó, đề xuất này nhằm triển khai chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận