Bên cạnh nhiều phong tục có từ lâu đời vẫn được người dân Trung Quốc duy trì mỗi dịp Tết đến xuân về như mừng tuổi người cao tuổi, trẻ em hay bàn trà tiếp khách dịp đầu năm thường có hạt dưa tượng trưng cho vụ mùa bội thu thì một số tập tục khác đã dần vắng bóng trong xã hội hiện đại.
Tục dọn bếp lò ngày 23 tháng Chạp
Theo quan niệm truyền thống trong văn hóa Trung Quốc, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân sẽ lên Thiên đình bẩm báo với Ngọc Hoàng hoạt động của gia chủ trong suốt cả năm. Do đó, nhiều gia đình tại Trung Quốc thường lau chùi bếp, cúng những món kẹo ngọt, bánh rán, súp đậu phụ cho Táo quân với mong muốn Thần Bếp sẽ “nói ngọt” về gia chủ khi bẩm tấu với Ngọc Hoàng.
Đến ngày 30 tháng Chạp, người dân sẽ làm lễ “đón Táo”, thắp hương, đốt tiền vàng để mời Táo quân quay trở về ngự tại gian bếp của gia đình.
Một gian bếp xưa của người Trung Quốc dán tranh thờ Táo quân.
Tuy nhiên, những nghi thức này hiện không còn phổ biến tại các khu đô thị ở Trung Quốc, khi nhiều ngôi nhà hiện đại tại quốc gia này không còn bếp lò truyền thống. Do đó, nghi thức lau chùi bếp lò vào ngày 23 tháng Chạp cũng dần mai một.
Đốt pháo mừng năm mới
Trong dân gian Trung Quốc, có một câu chuyện nổi tiếng kể về một con quái vật tên là nian thường sục sạo qua các ngôi làng vào thời xưa, phá hoại nhà cửa, làm hại người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán. Dần dà, người dân phát hiện ra quái vật rất sợ âm thanh lớn, nên họ nhồi thuốc súng vào những ống tre khô rồi vứt vào đống lửa. Âm thanh vang dội tạo ra khi ống tre phát nổ khiến con quái vật hoảng sợ, bỏ chạy.
Đốt pháo mừng năm mới tại miền quê Trung Quốc.
Sau đó, người dân chuyển sang đốt bánh pháo để xua đuổi những linh hồn tà ác, ma quỷ vào dịp đầu năm. Theo truyền thống, người dân Trung Quốc đốt bánh pháo nhỏ vào nửa đêm để tiễn biệt năm cũ rồi đốt 3 bánh pháo lớn để chào năm mới. Tương truyền rằng, pháo nổ càng to, càng vang thì gia chủ càng gặp nhiều may mắn, thịnh vượng trong năm mới.
Tuy nhiên, vì lý do an toàn, chính quyền thành phố Hong Kong đã cấm người dân đốt pháo từ những năm 1960. Nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc cũng áp dụng quy định này.
Kiêng tắm gội, giặt giũ 2 ngày đầu năm
Theo truyền thuyết từ thời xa xưa, hai ngày đầu năm mới là ngày sinh của Thủy thần. Do đó, người dân Trung Quốc kiêng tắm gội, giặt giũ quần áo trong 2 ngày này.
Một nhóm phụ nữ Trung Quốc gội đầu, giặt giũ tại bể nước công cộng ở tỉnh Vân Nam.
Ngoài ra, theo một cách lý giải khác, từ “tóc” trong tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông phát âm gần giống chữ “phát tài” nên người dân cũng tránh gội đầu vào ngày đầu năm để tránh rửa trôi đi may mắn trong năm tới.
Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người dân Trung Quốc không còn giữ điều kiêng kỵ này.
Kiêng quét nhà ngày đầu năm
Theo quan niệm truyền thống, người dân Trung Quốc tin rằng quét nhà, đổ nước ra khỏi nhà đồng nghĩa với “quét bỏ” may mắn trong năm mới ra khỏi nhà. Do đó, họ thường kiêng quét nhà trong 2-5 ngày đầu năm mới. Thay vào đó, nhiều gia đình hoàn tất công việc dọn dẹp nhà cửa đón năm mới trước đêm giao thừa.
Ngày nay, phong tục này không còn phổ biến tại các thành phố ở Trung Quốc nhưng vẫn được thực hiện tại nhiều vùng nông thôn ở quốc gia này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận