Nội dung trên được các kiều bào chia sẻ tại cuộc gặp gỡ đầu năm và Tọa đàm gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Sức sống mới sau dịch bệnh Covid-19. Định hướng và phát triển dưới góc nhìn kinh tế” tổ chức vào ngày 11/2.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, doanh nhân Việt kiều đã hiến kế đưa các sản phẩm của người Việt ra thị trường thế giới, kết nối doanh nhân trong và ngoài nước thông qua cầu nối câu lạc bộ doanh nhân; định hướng cho doanh nghiệp vượt qua thời gian ngừng trệ do dịch Covid-19.
Ông Lê Bá Linh, Phó Ban liên lạc kiều bào Lào - Thái Lan, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods (đứng)
Ông Steve Bùi, kiều bào Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta E&C cho biết, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng ra thế giới đang làm theo phong trào là chủ yếu, chưa nắm rõ luật Quốc tế. Việc này, ông Steve Bùi đề xuất Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM thành lập tổ tư vấn cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Bá Linh, Phó Ban liên lạc kiều bào Lào - Thái Lan, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa sản phẩm truyền thống của Việt Nam ra thị trường thế giới cho biết sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp khác về thủ tục hành chính, hỗ trợ đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Theo Giáo sư Đặng Lương Mô, người Việt Nam ở Nhật Bản, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần này, giống như như vụ khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, làm biến dạng có tính “bất khả đảo nghịch” đối với mô hình kinh doanh, để đưa tới một “bình thường mới”.
Một kiều bào Úc trao tặng 5 tấn gạo cho người dân TP.Thủ Đức
“Công tác phục hồi và phát triển kinh tế sau Covid-19 không chỉ là hàn gắn những chỗ bị sứt mẻ, bị thâm thủng vì đại dịch, nó phải có tính xây dựng một xã hội mới, xã hội số có tính cách phát triển, sáng tạo”, Giáo sư Đặng Lương Mô nhận định.
Ghi nhận các ý kiến của kiều bào, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, kiều bào là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh thành phố phục hồi và phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thời gian tới, các sự kiện hội thảo, diễn đàn tại TP.HCM, sẽ mời các kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài tham dự và đóng góp sáng kiến.
Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp chung các cơ quan liên quan triển khai các chương trình thu hút đầu tư từ nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế cho thành phố.
Ông Hoan đề nghị, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cần phát huy vai trò kết nối để bà con kiều bào được tham gia hiến kế, góp ý, đầu tư vào trong nước, làm sao để sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước có thể thông qua kiều bào để đi ra thị trường nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, thành phố đã vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, bằng sự nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp sức từ bên ngoài, trong đó có kiều bào ở các nước. TP.HCM ghi nhận sự đóng góp quan trọng của kiều bào đã gửi tiền, vật tư thiết bị, nhu yếu phẩm và hiến kế giúp thành phố chống dịch.
Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, cũng như hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.
Năm 2021, dù khó khăn do dịch bệnh nhưng kiều hối về thành phố vẫn tăng 9% so với năm trước, ước đạt 6,6 tỷ USD. Những hiến kế, đóng góp của các doanh nhân, trí thức kiều bào là một trong những nguồn lực quan trọng, then chốt giúp TP.HCM phục hồi nhanh vượt qua đại dịch Covid-19 và vững bước phát triển.
Xuyên suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều tổ chức, cá nhân kiều bào ta ở nước ngoài vẫn luôn hướng về quê nhà, với rất nhiều hoạt động ý nghĩa giúp đỡ nhân dân trong nước.
Sự gắn kết chặt chẽ của người Việt ở trong và ngoài nước tại TP.HCM không chỉ là nguồn tiền, hàng hóa mà còn là những hiến kế, giải pháp, đồng hành của bà con kiều bào trong quá trình khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận