Phương Tây đắn đo, cân nhắc
Hãng CNN dẫn lời các nguồn tin cho hay, hiện tại, Mỹ và đồng minh đang xem xét phương án đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi Kiev đề xuất sẵn sàng duy trì vị thế trung lập nếu được đảm bảo an ninh từ các nước hàng đầu trên thế giới.
Dù những cuộc thảo luận kể trên mới ở giai đoạn đầu vì các cuộc hòa đàm giữa Nga-Ukraine còn chưa rõ ràng nhưng qua lời chia sẻ của nhiều quan chức giấu tên tại Mỹ và châu Âu, ít có khả năng Mỹ và đồng minh đáp ứng đề nghị bảo đảm an ninh có tính ràng buộc về mặt pháp lý với những điều kiện như Kiev yêu cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - AP
Gần đây nhất, mới có Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết Rome sẵn sàng đóng góp vào tiến trình hòa bình tại Ukraine và trở thành quốc gia đảm bảo cho tình trạng trung lập của Ukraine.
Nhưng, theo CNN, một số quan chức Mỹ và phương Tây cho rằng, lúc này chưa phải thời điểm thích hợp để bàn sâu về các biện pháp bảo đảm an ninh cho Ukraine vì quá trình đàm phán với Nga chưa kết thúc.
Một số quan chức Mỹ còn tỏ ra bất ngờ khi phía Kiev đề xuất muốn phương Tây bảo đảm an ninh cho Ukraine trong cuộc hòa đàm với Nga tại Istanbul.
Trong vòng đàm phán với Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, phía Ukraine bày tỏ có thể lựa chọn tình trạng trung lập nhưng đổi lại, Kiev muốn được các nước phương Tây, gồm Mỹ và Anh... bảo đảm sẽ bảo vệ Ukraine trước các hành động gây hấn có thể có trong tương lai.
Theo đó, Kiev muốn được bảo đảm an ninh tương tự như Điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Nội dung điều 5 nêu rõ, nếu một quốc gia thành viên của liên minh bị tấn công đồng nghĩa là tấn công vào tất cả các thành viên trong NATO.
Một vài quan chức châu Âu cho rằng, họ muốn biết thêm quan điểm từ phía Ukraine trước khi đưa ra cam kết.
Theo hãng tin CNN, ít có khả năng phương Tây sẽ đồng ý bảo đảm an ninh cho Ukraine theo thỏa thuận tương tự Điều 5 Hiệp ước NATO bởi Mỹ và các đồng minh muốn tránh xung đột trực diện với Nga.
Khi được hỏi về việc liệu Anh có sẵn sàng trở thành quốc gia bảo đảm an ninh cho Ukraine, Phó thủ tướng Dominic Raab cho biết: “Ukraine không phải là thành viên NATO. Chúng tôi sẽ không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga”.
Dù phương Tây đồng ý, chưa chắc Nga chấp nhận
Thực tế, trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Moscow từ lâu đã phản đối việc Ukraine muốn trở thành thành viên NATO, khẳng định việc NATO kết nạp Ukraine sẽ là “lằn ranh đỏ” về an ninh đối với Nga.
Vì vậy, các chuyên gia đặt vấn đề rằng - Liệu Nga có thể chấp nhận một thỏa thuận phòng thủ tập thể để đảm bảo an ninh cho Ukraine như Kiev đề xuất hay không?
Về phía Ukraine, ông David Arakhamia, thành viên đoàn đàm phán Ukraine, giải thích: “Chúng tôi cần có thỏa thuận đảm bảo an ninh được ký và phê chuẩn (bởi Quốc hội của các quốc gia) để tránh lặp lại sai lầm của Bản ghi nhớ Budapest”.
Bản ghi nhớ Budapest là thỏa thuận ký giữa Anh, Mỹ và Nga năm 1994, yêu cầu Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để được bảo đảm từ các bên tham gia ký kết.
Các quan chức Ukraine cho rằng Bản ghi nhớ Budapest không có tác dụng bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Trao đổi với CNN, một quan chức phương Tây cũng thừa nhận, nếu không có cam kết toàn diện để bảo vệ Ukraine thì như vậy là không đủ đối với nước này.
Một số quan chức Washington cũng nhận định nếu tiếp tục đưa ra một thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Ukraine tương tự Bản ghi nhớ Budapest thì sẽ không có tác dụng.
Xem xét phương án kết nạp Ukraine vào EU
Một vài quốc gia châu Âu như Ba Lan, Latvia, Bulgaria và Cộng hòa Séc đề xuất ý tưởng đưa Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Vì nếu Ukraine trở thành thành viên EU thì các nước trong khối có thể thực hiện một số phương án bảo vệ cho Ukraine, đồng nghĩa Kiev nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Tuy nhiên, bà Ivanna Klympush-Tsintsadze, thành viên Quốc hội Ukraine, cho rằng EU sẽ không thể là "tấm khiên" bảo vệ về quân sự cho Ukraine hiệu quả như NATO.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận