KNXK hàng dệt và may mặc ước 8,11 tỷ USD, tăng 8,7% 5 tháng đầu năm |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sang thị trường Hàn Quốc đạt 3,11 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc giữ vững vị thế là thị trường XK lớn thứ 7 của Việt Nam, sau Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Á.
KNXK 5 tháng đầu năm ước đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,4% của 5 tháng năm 2014. Tăng trưởng XK không cao do KNXK nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đều giảm.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong 5 tháng đầu năm: Điện thoại và linh kiện ước 11,8 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ; hàng dệt và may mặc ước 8,11 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước 6,02 tỷ USD, tăng 59,7%; giày, dép các loại ước 4,63 tỷ USD, tăng 19,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước 3,14 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ ước 2,58 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 8,14 tỷ USD, giảm 9,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2 tỷ USD, giảm 53%. Xét về giá trị tuyệt đối, KNXK của riêng hai nhóm đã giảm 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Với kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 66,17 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng, cả nước nhập siêu 2,97 tỷ USD, bằng khoảng 4,7% tổng KNXK.
Bộ Công Thương cho biết, tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước...
Ngoài chỉ số IIP tăng nhanh, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng cao hơn 5,1 điểm phần trăm so với mức tăng cùng kỳ năm 2014. Trong khi chỉ số tồn kho tăng thấp hơn 1,1 điểm phần trăm, là những động lực quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất phát triển.
Thị trường bán lẻ cũng duy trì ổn định khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5 ước đạt 260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,48% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 1.304 nghìn tỷ đồng, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận