Trong chương trình “Chuyện đêm muộn” mới đây, nghệ sĩ Kim Tử Long đã giãi bày những nguyên do khiến cải lương ngày nay gặp khó khăn trong đời sống. anh cho rằng, nếu khán giả đến với sân khấu cải lương trước đây được 10 thì giờ chỉ còn khoảng 3,4. 30-40% khán giả vẫn theo dõi và đến với sân khấu cải lương, đến với những trích đoạn chứ không đến rạp xem nguyên vở.
Nguyên do lớn nhất khiến cải lương gặp khó như hiện tại, theo Kim Tử Long là do không có rạp hát. Khán giả không quay lưng lại với cải lương và muốn đến sân khấu để xem nhưng không có sân khấu để nghệ sĩ biểu diễn.
“Hai vở nguyên vẹn gần nhất tôi diễn gần đây là vở “Rạng ngọc Côn Sơn” và “Xử án Phi Giao” vào năm 2017. Hát tại Nhà hát Hòa Bình và “cháy vé”. Đến giờ chót, khán giả đến mua vé chợ đen 6 triệu/vé. Điều đó chứng tỏ cải lương vẫn luôn có khán giả”, NSƯT Kim Tử Long giải thích.
Không có rạp hát, nghệ sĩ phải đi thuê rạp với giá rất đắt nên giá vé các vở cải lương cũng rất cao, thấp nhất là 500 nghìn/vé. Điều đó cũng là một phần khiến khán giả muốn xem nhưng không có tiền để đến sân khấu, nhất là các sinh viên.
Kim Tử Long nhận định hiện nay, có một số sân khấu lý tưởng để diễn cải lương ở TP.HCM như Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Thành Phố. Còn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang do nhà nước xây dựng chỉ như một hội trường cao cấp, không có đủ các tiêu chí để dựng một vở cải lương chuẩn.
Ngoài lý do không có sân khấu, những yếu tố khác cũng tác động tới sân khấu cải lương hiện nay như kịch bản chưa đáp ứng được nhu cầu hiện đại, nghệ sĩ cải lương không mặn mà tập vở, nghệ sĩ cũng lấy giá rất cao.
“Bản thân tôi đi hát ở sự kiện, hát trích đoạn thì cát sê khoảng 30-40 triệu, nhưng nếu tôi làm vở cải lương thì lương chỉ 2-3 triệu. Nhưng nhiều nghệ sĩ khác lại lấy lương rất cao”, Kim Tử Long than thở.
Tuy nhiên, anh không trách các nghệ sĩ vì ai cũng cần phải sống. Nghệ sĩ muốn có sân khấu biểu diễn lại không có, chỉ tham gia những vở tạm thời. Có vở do nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng, cũng chỉ diễn 2 suất. Do đó, các nghệ sĩ cũng không dành hết tâm huyết.
Cuối cùng, anh cho rằng điều quan trọng nhất để bảo tồn và phát triển cải lương hiện nay là nhà nước cần đầu tư một rạp hát chỉ dành cho cải lương. Ở đó, các đoàn nghệ thuật được đến biểu diễn với chi phí thuê rạp thấp. Từ đó, giá vé vở diễn sẽ rẻ hơn và khán giả sẽ có điều kiện để đến rạp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận