Bất động sản

Kinh doanh ế ẩm, nhà phố cổ cho thuê giá vẫn cao

20/05/2020, 06:10

Giữa mùa dịch Covid-19, kinh doanh ế ẩm, hàng quán đua nhau đóng cửa, nhiều chủ nhà chấp nhận hạ giá nhưng vẫn là mức cao ngất ngưởng.

img
Cửa hàng cho thuê hai mặt tiền giao giữa ngã tư phố Hàng Mành và Hàng Bông

Bất động sản khu vực 36 phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ lâu được mệnh danh là “đất kim cương”, mỗi mét đất lên đến hàng tỷ đồng. Giữa mùa dịch Covid-19, kinh doanh ế ẩm, hàng quán đua nhau đóng cửa, nhiều chủ nhà chấp nhận hạ giá nhưng vẫn là mức cao ngất ngưởng.

Giảm 20 - 30%, khách thuê vẫn khó “sống”

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông, sau những ngày cách ly xã hội, các cửa hàng khu vực 36 phố cổ Hà Nội đã hoạt động trở lại, nhưng vẫn không tấp nập như thường lệ. Trên các con phố lớn nhỏ, xuất hiện ngày càng nhiều biển cho thuê, sang nhượng dưới mọi hình thức, từ tờ giấy trắng A4 viết vài chữ sơ sài đến băng rôn bắt mắt.

Trong vai một khách hàng tìm địa điểm kinh doanh, PV liên hệ vào số điện thoại trên biển quảng cáo sang nhượng cửa hàng, diện tích 50m2 trên phố Hàng Gai. Chị Phùng Kim Trang, chủ số điện thoại cho biết: Nhà mặt tiền 5m, phù hợp kinh doanh spa, thẩm mỹ, nhà hàng, cafe, siêu thị tiện ích. Giá cho thuê 80 triệu đồng/tháng, đóng tiền 3 tháng một lần, hợp đồng ký 3 năm.

Trong quá trình trao đổi, PV trình bày hoàn cảnh khó khăn, đề nghị được hỗ trợ giảm giá thì chị Trang cho hay: “Chị không phải là chủ nhà mà cũng là người đi thuê. 80 triệu/tháng là giá chị thuê duy trì hơn một năm nay. Hiện tại đang kinh doanh mặt hàng thời trang. Không còn đủ sức gồng gánh nên đành sang nhượng lại”.

Chị Trang chia sẻ, khi ký hợp đồng đã đóng tiền cọc 3 tháng tương ứng 240 triệu đồng. Nay gặp khó khăn, nài nỉ mãi chủ nhà cũng đồng ý giảm cho 30% tiền thuê tháng 5, 6, 7 nhưng nhất quyết không đồng ý thanh lý. Nếu người thuê tự ý hủy ngang sẽ bị mất toàn bộ số tiền cọc. Do đó, chị phải tìm người thuê tiếp nối để gỡ gạc khoản tiền đã đặt cọc.

“Thời điểm này giảm 30% tiền thuê vẫn còn cao. Không có khách mua hàng, “cố đấm ăn xôi” mỗi tháng mất gần 60 triệu đồng tiền nhà, làm gì ra bây giờ”, chị Trang than thở và cho biết đã thương lượng sẵn với chủ nhà, có người thuê thay thế, khách mới cũng được áp dụng giảm 30% tiền thuê 3 tháng tới (tháng 5, 6, 7).

Trong khi đó, một căn nhà cấp 4 (có một gác xép) hai mặt tiền giao giữa ngã tư phố Hàng Mành và Hàng Bông chỉ rộng hơn 20m2 được chủ nhà chào giá thuê 65 triệu đồng/tháng. Tiền nhà đóng 6 tháng một lần, đặt cọc trước 6 tháng tương ứng 185 triệu đồng, ký hợp đồng 5 năm. Chủ nhà này cho biết, giá hiện tại duy trì từ lâu, chưa tăng giá mới. Nhưng nếu thiện chí thuê thời gian này cũng sẵn sàng giảm giá khi ký hợp đồng.

Anh Nguyễn Ngọc Khánh, chủ cửa hàng rộng hơn 20m2 trên phố Lương Văn Can cũng đồng ý giảm giá thuê từ 35 triệu xuống 30 triệu đồng (tương tứng 14%) sau một hồi PV trình bày khó khăn dịch bệnh.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, nhân viên môi giới BĐS khu vực phố cổ cho biết, gần đây, nhiều chủ nhà đã đến nhờ anh tìm khách thuê. Giá bình quân từ 1 - 1,5 triệu đồng/m2, những vị trí đắc địa, đông người qua lại hay mặt tiền rộng có thể lên tới 2 - 2,5triệu/m2. Anh Tuấn cho hay, giữa thời dịch bệnh, nhiều chủ nhà đã đồng ý giảm giá từ 10 - 20%. Tuy nhiên, cũng không ít chủ nhà dùng chiêu trò, cố tình tăng giá thuê lên khoảng 10 - 20% để khi thương lượng giảm xuống vừa với giá mong muốn.

Chủ nhà nên chấp nhận hạ giá cho thuê

Tại thị trường Hà Nội trong quý I, kết quả nghiên cứu của Savills Việt Nam (Savills) cho thấy, giá thuê mặt bằng trung bình giảm 2%, mức độ ổn định giảm 4%, tuần suất thuê giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Savills nhận định, bất động sản bán lẻ mặt phố chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng. Doanh thu bán lẻ của các cửa hàng trên mặt phố giảm khoảng 50% và bị ảnh hưởng nặng nề do giá thuê có thể chiếm lên đến 50% tổng chi phí hoạt động.

Theo bảng khung giá các loại đất trên địa bàn do UBND TP Hà Nội ban hành, áp dụng từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2024 thì các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ thuộc quận Hoàn Kiếm có giá gần 188 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giao dịch còn cao hơn gấp nhiều lần, từ 500 - 800 triệu đồng/m2, có không ít nơi giá còn lên đến hơn 1 tỷ đồng/m2.


Do đó, nhiều khách thuê đã đề xuất với chủ nhà về việc miễn giá thuê trong thời gian cách ly xã hội (tháng 4) và giảm 20 - 50% giá thuê trong 3 - 12 tháng tới.

Nhiều người đang tiếp tục đàm phán để được giảm sâu hơn về giá thuê và các chi phí kinh doanh khác. Một số khách đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê. Khách thuê mới đang đàm phán lại giá thuê hoặc hoãn việc ký kết hợp đồng mới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, bất động sản thương mại cho thuê chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong bất động sản cho thuê (bao gồm cả văn phòng cho thuê, cơ sở giáo dục, trường học cho thuê). Hiện nay, sản phẩm này chưa bị ảnh hưởng bởi hợp đồng cho thuê ký dài hạn, từ 6 tháng đến 3 năm, có chăng thì bên thuê bị ảnh hưởng vì không có khách, không bán được hàng cũng vẫn phải đóng tiền thuê theo hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, giảm giá sẽ là xu thế vì nếu giữ giá cao sẽ không có người thuê.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trong trường hợp chủ nhà vẫn còn tâm lý “nhất quyết không chịu thiệt” thì BĐS thương mại chỉ còn nước “chìm xuồng”.

“Nếu anh không giảm thì chẳng có ai thuê. Mà không có ai thuê, thì đương nhiên chủ nhà sẽ là người chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. Vậy nên, trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình”, ông Đính nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.