Sau thành công cùng U23 Việt Nam, thủ môn Tiến Dũng có rất nhiều fan hâm mộ |
Một đồng nghiệp của tôi vừa nhận được vô số những lời chỉ trích khi anh đăng một bài viết về bóng đá trên trang facebook cá nhân. Thậm chí, có người mắng anh sa sả vì đang cổ súy cho trào lưu lợi dụng hình ảnh của các cầu thủ U23.
Trong bài viết của mình, anh nhắc lại phán quyết Bosman ở châu Âu năm 1995 và những tác động liên quan đến việc chuyển nhượng cầu thủ. Giá trị cầu thủ tăng vọt và vai trò của người đại diện trở nên quan trọng hơn. Giá trị ấy được tính bằng giá trị chuyển nhượng do thị trường quyết định và giá trị hình ảnh của cầu thủ, được tác động bởi độ hấp dẫn của anh ta về nhiều mặt, cả trên sân cỏ và ảnh hưởng xã hội.
Tất nhiên, điều đó không khiến anh bị “ném đá”. Mà vấn đề nằm ở chỗ anh ủng hộ cầu thủ U23 sớm có người đại diện cho quyền lợi hợp pháp của họ.
Điều này khiến khá nhiều người cáo buộc nhà báo ủng hộ một công ty truyền thông đang ngang nhiên lập fanpage U23 và thông báo thủ môn của đội đã ký hợp đồng bảo trợ thương hiệu với họ. Rõ ràng sự kiện Câu lạc bộ FLC Thanh Hóa dọa kiện công ty truyền thông đã đưa ra mức giá kinh doanh hình ảnh Bùi Tiến Dũng - thủ môn đội tuyển U23 Việt Nam đang trở thành tâm điểm dư luận. Theo báo giá của công ty này, giá cho một lần Dũng dự sự kiện là 10.000 USD, đăng quảng cáo trên FB cá nhân hơn 2.500 USD, chụp ảnh 10.000 USD…
Sáng 1/2, lãnh đạo CLB FLC Thanh Hóa đã nhanh chóng khẳng định mọi giao dịch của công ty này với thủ thành Bùi Tiến Dũng là vô hiệu nếu không thông qua CLB. Tiến Dũng đang là cầu thủ của FLC Thanh Hóa và chịu sự quản lý toàn bộ vấn đề chuyên môn, hình ảnh nên không được tự ý ký hợp đồng với các đơn vị, cá nhân để kinh doanh hình ảnh.
Cơn thịnh nộ với những chiêu PR, trục lợi, chụp giật trên thương hiệu của đội tuyển U23 khiến nhiều người chỉ lao vào chụp mũ mà phủ nhận một ý rất hay trong bài viết của nhà báo này. Đó là, vai trò của những công ty đại diện cho cầu thủ là rất lớn. Chính sự chuyên nghiệp của họ giúp các cầu thủ trở nên chuyên nghiệp và tránh bị lợi dụng, vì cầu thủ không giỏi về các vấn đề liên quan đến pháp lý.
Và tôi đồng tình với quan điểm này của anh.
Hãy khoan nói cụ thể đến một công ty nào đó và sai lầm của họ, cái chúng ta cần rút ra từ sự việc này là các câu lạc bộ vốn đang được coi là đại diện của các cầu thủ trẻ cần chuyên nghiệp hơn trong quản lý hình ảnh để mang lại lợi ích tối đa cho cầu thủ.
Nếu họ làm tốt vai trò của mình thì những kẻ cơ hội, trục lợi từ hình ảnh các cầu thủ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị kiện ra tòa.
Có thể từ việc tranh chấp quyền kinh doanh hình ảnh của Bùi Tiến Dũng, sẽ mở ra một hướng mới cho các CLB và các cầu thủ ở V- League, để cả hai bên cùng có lợi, thu nhập cao hơn dựa trên các điều khoản hợp đồng cụ thể về phần trăm nắm giữ bản quyền hình ảnh. Như vậy, giá chuyển nhượng một cầu thủ sẽ cao hơn, sẽ có thêm những ông bầu mới chịu bỏ tiền và đầu tư bóng đá, xây dựng lớp cầu thủ trẻ.
Với tình trạng như hiện nay, các câu lạc bộ chắc lỗ nhiều và nhiều ông bầu đã rời đi, chỉ còn lại những cái tên đầy tâm huyết như bầu Đức, bầu Hiển…
Mà ở Việt Nam, không chỉ có bóng đá, rất nhiều thứ khác đang dần phải đi lên chuyên nghiệp. Nếu không, chúng ta sẽ bị bỏ lại trong sân chơi chung của thế giới. Chỉ hôm qua thôi, ông trùm hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn phải than thở vấn nạn hàng lậu, hàng giả ở Việt Nam đã khiến doanh thu của tập đoàn giảm một nửa. Việc mua, bán hàng nhái đã trở thành chuyện phổ biến, bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế. Ông này đề nghị Hải quan và các cơ quan Nhà nước có biện pháp mạnh tay hơn nữa.
Nhìn lại chuyện của bóng đá, nếu chính sách không thay đổi, nếu chỉ trông chờ vào các câu lạc bộ và các công ty đại diện và thậm chí là cầu thủ thì con đường lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn xa. Vấn đề còn nằm ở chiến lược, ở động thái của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, của Tổng cục Thể dục thể thao và của VFF…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận