Lực lượng chức năng khám xét cơ sở sản xuất mỡ bẩn. |
Công nghệ “lọc” mỡ bẩn
Sáng 22/12, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - PC49 (Công an Hà Nội), phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Thú y và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hộ sơ chế bì mỡ lợn, đứng tên Nguyễn Thị Lý (cụm 11, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng).
Theo đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng: Cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, không xuất trình xuất xứ nguyên liệu. Ngay tại hiện trường sơ chế, đoàn kiểm tra ghi nhận có khoảng 0,3 tấn mỡ nước, 1 tấn tóp mỡ, 1 tấn bì lợn qua sơ chế, 3 tạ bì mỡ lợn chưa qua sơ chế có dấu hiệu ôi thiu.
Có mặt tại thời điểm kiểm tra, theo quan sát của PV Báo Giao thông, xưởng chế biến bì mỡ bẩn nằm tách biệt so với cơ ngơi hoành tráng của nhà chủ. Núp trong lùm cây um tùm, xưởng có quy mô gần 400m2 nhưng được dựng lên sơ sài, che chắn tứ phía tránh sự “dòm ngó” từ bên ngoài. Trên sân gạch, hàng đống bì mỡ lợn hỗn tạp nằm lăn lóc, đã chuyển màu, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín.
Bên trong xưởng, mỡ bám cáu cạnh, đen kịt khắp nơi, trải thành lớp thảm dày nhày nhụa dưới đất, bám từng lớp mốc meo trên tường bếp. Những chiếc xô, chậu, dụng cụ trong xưởng đều như bị phủ lớp “keo mỡ” đen nhầy nhụa, như chưa một lần được đánh rửa. Trên chiếc lò đun mùn cưa tự chế, những chiếc chảo khủng được đặt ngang miệng bếp, xung quanh bụi than, mùn cưa bao phủ...
Rùng mình hơn khi chúng tôi lỡ chân chạm vào đống bao tải mỡ nhúng nhính chồng chất nằm ngay dưới nền đất, cạnh đám mùn cưa được dùng để đốt lò rán mỡ. Chưa hết, hàng thùng phuy ngổn ngang cáu cạnh bụi bẩn bên rìa xưởng cũng được tận dụng làm đồ chứa mỡ khi cần. Tất cả như đều bốc mùi oi nồng, ngột ngạt đến khó thở.
Theo lời của người làm, cơ sở thu thập mỡ bì lợn từ nhiều mối trên thị trường với giá khoảng 3.000 đồng/kg. Mỡ sẽ được phân tách khỏi bì đem rán. Để cho mỡ không có cặn, người rán sẽ lần lượt múc từng gàu mỡ nước đổ qua vạt giẻ bẩn chảy xuống chậu hứng. Đó chính là “công nghệ” lọc mỡ bẩn trước khi được tập kết vào thùng chứa. Còn lại, tóp mỡ sẽ được cho vào máy ép kiệt mới thôi. Phần bì lợn sẽ được thái sợi cất trữ vào tủ lạnh chờ nhà mối tới lấy làm nem thính.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Cầm, Đội phó Đội 6 (PC49, Công an Hà Nội) nhận định: “Đây là cơ sở sản xuất mỡ bẩn lớn nhất tại Hà Nội từ trước tới nay đã bị xử lý”.
Mỡ bẩn “tuồn” vào các nhà hàng, quán ăn…
Qua lời khai, chủ xưởng sản xuất mỡ bẩn, bà Nguyễn Thị Lý cho biết, cơ sở chỉ bán buôn cho các mối hàng chứ không biết đầu ra dùng để làm gì?! Theo đó, giá đổ buôn mỡ nước là 5.000 đồng/kg, tóp mỡ là 4.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, một số người dân trong vùng thường lấy mỡ bẩn này đổ vào các can nhựa dùng để chứa dầu ăn cỡ 5 lít đem phân rải khắp nơi với giá khoảng 70.000 đồng/can. “Thi thoảng vẫn có những người đi xe đạp chở hàng chục can mỡ qua nhà tôi. Họ bảo đem đưa cho các nhà hàng, quán ăn, rán bánh...”, bà Tuyên, người dân xã Tân Lập (Đan Phượng) cho biết. Ngoài ra, cũng theo bà Tuyên, quanh vùng có gần chục cơ sở chế biến bì mỡ lợn tương tự đang hoạt động.
Trong mỡ đã ôi thiu, kém chất lượng có nhiều chất độc hại. Việc đun nóng cũng không thể loại bỏ độc tố cũng như các chất gây hại tích tụ sẵn trong nguyên liệu. Theo các bác sỹ, trong mỡ bẩn sẽ chứa những độc tố như hợp chất andehyt, oxy a-xít… có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, hệ thần kinh, tim mạch... Ngoài ra, do khả năng bảo quản kém, nấm mốc có thể tồn tại trong sản phẩm, gây ngộ độc cho người sử dụng. Nguy hại nhất, việc dùng nhiều mỡ bẩn có thể là nguyên nhân gây ung thư. |
Cơ sở của bà Lý được UBND huyện Đan Phương cấp giấy phép đăng ký kinh doanh sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sống, chín, từ tháng 9/2009. Từ đó tới nay, cơ sở này nhiều lần đã bị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lập biên bản xử lý vi phạm hành chính do không đủ tiêu chuẩn hành nghề song không hiểu sao tới bây giờ vẫn hoạt động ngang nhiên.
Ông Nguyễn Huy Thảo, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, cách đây gần 1 năm phát hiện cơ sở sản xuất sơ chế chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, Cục đã xử phạt 16 triệu đồng và kiến nghị UBND huyện Đan Phượng đình chỉ sản xuất. Tuy nhiên, cơ sở này chỉ bị tạm đình chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 6-8/2015), sau đó lại tái hoạt động. “Quyết định chỉ nói dừng 3 tháng thì tôi dừng, sau đó không thấy ai nói gì nên tôi lại làm”, bà Lý thản nhiên nói trước đại diện cơ quan chức năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận