Một du khách thử đi qua cầu cỏ Keshwa Chaca
Trong vương quốc Inca cổ đại, bánh xe chưa được phát minh và sắt thép cũng chẳng có. Bởi vậy, khi người Inca cần phải di chuyển khắp dãy núi Andes (dãy núi dài nhất thế giới, 7.000km), họ làm những cây cầu bằng cỏ bện tay, căng qua những hẻm núi và con sông.
500 năm trôi qua, hiện chỉ còn một cây cầu Inca như thế còn tồn tại: cây cầu Keshwa Chaca, bắc qua sông Apurimac gần Huinchiri (Peru) ở tỉnh Canas.
Khi mở rộng đế chế của mình, người Inca xây dựng một mạng lưới cầu cỏ bện để di chuyển quân đội, người dân và đồ đạc một cách nhanh chóng và hiệu quả qua các ngọn núi.
Một số ước tính cho rằng vương quốc Inca cổ đại được kết nối bằng khoảng 200 cây cầu cỏ bện đặc biệt này.
Những cây cầu là một phần cốt yếu trong hệ thống đường xá của Inca, kéo dài từ Ecuador ngày nay tới Argentina. Những người Inca cuối cùng biến mất vào đầu thế kỷ 17 và tiếp sau đó là các cây cầu của họ.
Cây cầu Keshwa Chaca còn tồn tại chủ yếu nhờ người dân địa phương thường xuyên tiến hành tu bổ, sửa chữa, bằng cùng kỹ thuật như các tổ tiên của họ đã sử dụng. Người làng ở đây cho biết, cây cầu này đã “sống sót” suốt 500 năm qua.
Trong thời cổ đại, năm nào người dân Inca cũng bện lại cầu Keshwa Chaca, coi đây giống như một dạng nghĩa vụ.
Thời hiện đại, người dân tiến hành làm lại cầu vào tháng 6 hàng năm. Vật liệu để làm cầu là “ichu”, một loại cỏ phổ biến ở các sườn núi của dãy Andes.
Cây cầu cỏ này hiện là điểm thu hút đông đảo khách du lịch
Người dân nơi đây bện chúng thành dây thừng để làm cầu. Mỗi hộ ở 4 ngôi làng gần đó phải có trách nhiệm bện cỏ thành thừng. Cây cầu gồm 5 dây chão bện bằng cỏ, mỗi dây dày 10cm, được gắn chặt vào các tảng đá lớn ở mỗi bên hẻm núi. Sàn cầu được tết bằng que nhỏ và sợi mây.
Chỉ mất khoảng 3 ngày để làm mới cây cầu Keshwa Chaca và mặc dù trông có vẻ giòn, dễ dãy, song thực tế nó có thể chịu được sức nặng của 56 người đứng ở trên cùng một lúc.
Keshwa Chaca hiện đã trở thành điểm hút khách du lịch lớn. Mỗi khách tham quan chỉ cần trả một khoản tiền nhỏ để có thể đi qua cầu sang hẻm núi bên kia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận