Hàng hóa thông suốt nhờ "luồng xanh" đi "làn xanh"
QL1 đoạn qua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ kéo dài đến gần 700km. Trong đó, hiện nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, tất cả các địa phương đều tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải của các loại phương tiện ra vào tỉnh.
Sau khi xảy ra ùn tắc tại giao thông tại chốt kiểm dịch Covid-19 trên QL1, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã dẫn đầu đoàn công tác xuống hiện trường phối hợp với Cục QLĐBII tháo gỡ vướng mắc
Tuy nhiên, theo ghi nhận thời gian vừa qua, trên đoạn tuyến này không xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông. Đặc biệt là với các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được cơ quan có thẩm quyền cấp mã QR Code để ưu tiên di chuyển qua các “luồng xanh” tại các chốt kiểm soát.
Ông Lưu Hùng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục QLĐBII.1 nhớ lại: Ngày 26/7, một xe tải di chuyển từ Bình Dương đi qua Thanh Hóa. Trên xe có 2 người, xe và hàng hóa lưu thông bình thường. Tuy nhiên, khi đến huyện Quảng Xương thì có 1 người trên xe xuống. Người này, sau đó đi xét nghiệm với kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay lập tức, tỉnh Thanh Hóa siết chặt việc kiểm tra, giám sát tất cả các phương tiện ra vào tỉnh. Thời điểm này, do không nắm rõ nên các lái xe đã được cấp mã QR Code vẫn di chuyển hỗn hợp ở tất cả các làn. Vì vậy, khi tỉnh kiểm soát chặt chẽ dẫn đến các xe luồng xanh bị mắc kẹt trong các phương tiện khác dẫn đến ùn ứ cục bộ trong 2 ngày 26 - 27/7.
Rất nhanh chóng, lãnh đạo Cục QLĐBII đã phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa có mặt tại hiện trường để chỉ đạo việc phân luồng, phân làn và giải quyết tình trạng ùn tắc.
Phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông thông suốt, an toàn qua chốt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 trên QL1 đoạn qua TP Vinh, Nghệ An
“Thực hiện chỉ đạo của Cục, Chi cục đã phối hợp với đơn vị quản lý tuyến thực hiện phân làn cho các xe đã được cấp mã QR Code. Cụ thể, cách chốt kiểm dịch khoảng 1km, đặt biển hạn chế tốc độ tạm thời để gây chú ý cho các tài xế.
Ngay sau đó đặt biển báo hướng dẫn xe “luồng xanh” di chuyển vào “làn xanh” - làn ngoài cùng, sát với dải phân cách cứng giữa đường. Cứ cách khoảng 300m, hoặc qua điểm quay đầu, biển báo này lại được nhắc lại. Kết quả là khi đến chốt đã xếp xong thành phần xe, trên từng làn đường”, ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn: Chi cục cũng phối hợp với lực lượng CSGT, TTGT tuyên truyền cho các lái xe rõ thêm việc phân làn. Ngoài ra, phối hợp với các chi cục lân cận và Sở GTVT địa phương tiến hành phân luồng từ xa theo kế hoạch đã được duyệt. Thành ra, chỉ sau ngày 27/7, tỉnh trạng ùn ứ đã chấm dứt.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Thanh - Phó cục trưởng Cục QLĐBII cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng Luồng xanh Quốc gia. Mục tiêu là để giao thông luôn an toàn, thông suốt đảm bảo hàng hóa luôn được lưu thông.
Lãnh đạo Cục QLĐBII trực tiếp có mặt tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch trao đổi với các lực lượng chốt để quán triệt tinh thần đảm bảo giao thông luôn an toàn, thông suốt
Tuyến đường chiến lược QL1 đoạn qua khu vực Bắc Miền Trung chạy qua địa bàn 6 tỉnh, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với chiều dài lên đến gần 700km. Trong đó, có nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Như tỉnh Nghệ An, QL1 chạy qua 5 huyện, thành, thị với gần 100km thì cả 5 địa phương này đang thực hiện giản cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, kể từ khi triển khai, ngoại trừ ún ứ cục bộ ở Thanh Hóa trong 2 ngày 26-27/7 đến nay thì giao thông đều an toàn, thông suốt, hàng hóa luôn được lưu thông.
Theo ông Thanh, để có được kết quả này là nhờ vào sự thực hiện đồng bộ, quyết liệt các lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam. Cụ thể, Cục đã thành lập BCĐ đảm bảo giao thông thông suốt; thành lập các tổ phản ứng nhanh gồm lực lượng QLĐB, công chức thanh tra… ở tất cả các tỉnh.
Khi có ùn tắc, lực lượng phản ứng nhanh sẽ thực hiện phương châm 4 tại chỗ, phối hợp với các lực lượng của các tỉnh (CSGT, TTGT…) tiến hành phân luồng từ xa hoặc phân làn tại chỗ.
Dù mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông qua, nhưng chốt kiểm soát phòng chống dịch trên QL1 đoạn phía Nam tỉnh Hà Tĩnh không xảy ra ùn ứ giao thông
Việc phân luồng từ xa sẽ được thực hiện như phân luồng mùa bão lũ (đã được thống nhất với 6 tỉnh hàng năm). Ví dụ, ùn tắc ở Quảng Bình, lực lượng sẽ tiến hành phân luồng từ Hà Tĩnh thậm chí là từ Nghệ An để các phương tiện lưu thông theo đường Hồ Chí Minh.
Tổ chức giao thông tại các điểm chốt kiểm soát dịch đối với vận tải đường bộ như: cắm biển hạn chế tốc độ, mở giải phân cách, cắm biển phân luồng, phân làn, mở hộ lan các vị trí có diện tích mặt bằng lớn để đặt các trạm kiểm soát dịch… Tính đến thời điểm này địa bàn 6 tỉnh Cục quản lý có tổng 96 chốt kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường bộ trên các quốc lộ trọng yếu như 2 trục dọc Bắc vào Nam là QL1, đường HCM và các trục ngang Đông sang Tây đi 5 cửa khẩu lớn thông thương với nước bạn Lào.
Cũng theo ông Thanh, kết quả này còn là nhờ sự phối hợp chủ động, linh hoạt và có hiệu quả giữa lực lượng QLĐB với lực lượng chức năng của các tỉnh. Khi có đề nghị của Cục, Chi cục, các lực lượng CSGT, TTGT của các tỉnh đều tích cực phối hợp để xử lý các tình huống phát sinh trên tuyến. Ngoài ra, còn phải kể đến việc thực hiện khoa học, bài bản của các chốt kiểm soát phòng dịch của các tỉnh. Ví dụ như ở Huế và Quảng Trị, ở 2 đầu Bắc - Nam của 2 tỉnh này đặt 3 chốt kiểm dịch ở 3 vị trí khác nhau nhằm phân loại các loại phương tiện khi đi vào tỉnh. Nhờ vậy, các phương tiện luồng xanh gặp rất nhiều thuận tiện khi lưu thông qua.
Trực chốt hiểu nhầm chỉ đạo
Trước thực trạng có xe luồng xanh không vào được các khu vực đang giãn cách theo chỉ thị 16 ở địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, ông Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết: Sau khi tỉnh nâng mức giãn cách cao hơn Chỉ thị 16 một mức đối với TP Vinh, ở một số chốt, cán bộ có yêu cầu chặt chẽ hơn; 1 số chốt do lực lượng Công an quản lý có nắm bắt chưa vững nên một số phương tiện có mã QR code vẫn phải quay đầu.
Ngày 25/8, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị và lực lượng kiểm soát tại các chốt phòng chống dịch thực hiện đúng theo văn bản của Bộ GTVT, Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lương Phan Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cũng cho biết: Sở đã có các văn bản hướng dẫn đầy đủ theo đúng tinh thần chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT. Tuy nhiên, lực lượng tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến do Công an chủ trì nên Sở đã báo cáo tỉnh và kiến nghị ngành chức năng liên quan tạo điều kiện cho phương tiện vận tải hàng hóa, đặc biệt là xe luồng xanh lưu thông nhanh nhất, đúng với chỉ đạo của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận