Bạn cần biết

Kinh nghiệm đóng và khai thác hiệu quả tàu thép “khủng” từ Đà Nẵng

17/05/2017, 09:08

Nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại Đà Nẵng đang hoạt động rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao...

19

Tàu vỏ thép ĐNa 90767 TS do ngư dân Nguyễn Sương tự thiết kế - Ảnh: Tấn Việt

Tự thiết kế, tự giám sát

Vừa trở về từ chuyến biển dài ngày, ngư dân Nguyễn Sương (SN 1980, trú huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) hồ hởi khi dàn lưới rê thu lại nguồn cá lớn. “Tàu chạy ổn định, chưa hề có hư hỏng gì lớn”, ông Sương nói.

Còn nhớ ngày 8/5/2016, ông Sương cùng người thân hạ thủy con tàu vỏ thép hành nghề lưới rê số hiệu ĐNa 90767 TS, dài 25,2m, độ giãn nước 2,5m, công suất 820CV. Tàu đóng tại Công ty CP Kỹ thuật biển Stech (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có tổng trị giá 17,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay theo chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 là 16,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của ngư dân là 1 tỷ đồng. Thời điểm đó, tàu ĐNa 90767 TS không  đóng theo mẫu thiết kế của Bộ NN&PTNT mà được Viện Thiết kế trường Đại học Hàng hải (Hải Phòng) thiết kế riêng theo ý tưởng của ông Sương.

Liên tiếp trong các số báo 75, 76, 78, Báo Giao thông đã phản ánh tình trạng nhiều ngư dân tại Bình Định khóc ròng vì tàu vỏ thép “khủng” đóng mới theo Nghị định 67 liên tục hư hỏng, bộc lộ khiếm khuyết như: Vỏ tàu, thân tàu bị gỉ sét, máy phát điện bị lỗi, hầm bảo quản không giữ được lạnh, máy chính bị hỏng hộp số… Không thể đi biển vì tàu phải nằm bờ sửa chữa, cuộc sống nhiều ngư dân khốn đốn, trong khi nợ ngân hàng đã đến kỳ phải trả, không có tiền trả thù lao thuyền viên. Nhiều người còn lo ngại thời hạn bảo hành 1 năm sắp hết, quá trình đi biển tàu liên tục hỏng hóc, lấy đâu tiền sửa chữa.

“Từ độ dìm của tàu vỏ gỗ, có thể tính được trọng lượng thân tàu theo công thức riêng, từ đó áp dụng trọng lượng của thép để tính toán, làm sao cho tàu thép có lượng giãn nước tương tự tàu gỗ là tránh được rung lắc, hoạt động an toàn”, ông Sương nói. 

Điểm quan trọng nữa của tàu thép là lớp sơn lót đầu tiên. Tàu của ông Sương từng bị đội giá vì dùng sơn của Mỹ (đắt hơn gần 500 triệu đồng so với sơn trong nước) nhưng hiệu quả cao, chống gỉ sét tốt. Ngoài ra, nhờ tự bỏ tiền túi thuê đội ngũ giám sát độc lập bên cạnh người giám sát của Chi cục Thủy hải sản, tàu ông Sương hạ thủy với chất lượng đúng như ý muốn.

Còn với ngư dân Lê Văn Sang (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), sau thất bại của tàu thép Sang Fish 01 do lỗi thiết kế khiến anh phải trả lại tàu, anh đã tự thiết kế cho riêng mình tàu vỏ thép Sang Fish 05 từ vốn vay Nghị định 67. Tàu hạ thủy tháng 6/2016, được ngư dân trẻ này sử dụng chuyên cho công việc hậu cần nghề cá kết hợp câu lươn biển.

Chia sẻ về sự thành công của Sang Fish 05, anh Sang cho rằng: "Mấu chốt vấn đề là ngư dân phải được cùng thiết kế, giám sát các công đoạn đóng tàu mới tránh được chuyện bị lừa như ở Bình Định vừa rồi".

Đà Nẵng có cách làm riêng

Đồng tình với ngư dân về việc trực tiếp tham gia giám sát công đoạn hình thành các con tàu tiền tỷ, đặc biệt cần thuê tổ giám sát độc lập, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh khẳng định: Ngư dân chưa có kinh nghiệm về tàu thép, chưa thuê được đơn vị giám sát uy tín thì không nên vội đặt bút ký hợp đồng đóng tàu. 

Ông Lĩnh phân tích, hiện cả ngư dân và bộ phận thiết kế của Bộ NN&PTNT thực tế đều thiếu kinh nghiệm khi cho ra hàng chục con tàu bị lỗi, hư hỏng liên tục. “Đây là 1 sai lầm đã được dự báo từ trước. Cho dù dùng chính con tàu đóng theo thiết kế của Bộ NN&PTNT đi sửa chữa bao nhiêu lần thì chắc chắn không cải tiến được nhiều, vì thiết kế tổng thể ban đầu đã sai hoàn toàn”, ông Lĩnh nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện đã và đang đóng 7 tàu theo Nghị định 67, sử dụng các mẫu thiết kế của Bộ NN&PTNT và gần như tất cả đều phải thay đổi thiết kế trước khi hạ thủy, chủ yếu là thay đổi về vỏ tàu. 

Cũng theo ông Tám, trước khi có Nghị định 67, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 47/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 về hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản. Cụ thể, với Quyết định 47, ngư dân được hỗ trợ 500 triệu đồng với tàu từ 400-600CV, tàu từ 600-800CV được hỗ trợ 600 triệu đồng, tàu trên 800CV được hỗ trợ 800 triệu đồng, chia làm 2 đợt và lấy từ ngân sách thành phố cùng các nguồn vốn hợp pháp khác. Với Quyết định 47, ngư dân Đà Nẵng thoải mái hơn trong chủ động nguồn vốn (hỗ trợ sau đầu tư), thiết kế, giám sát theo kinh nghiệm của mình hoặc tự bỏ tiền thuê đơn vị độc lập tùy ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.