Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Thời gian qua Tổng cục Hải quan đã tham khảo kinh nghiệm một số nước như từ Hải quan Malaysia, Hải quan Indonesia… “Quan điểm của Chính phủ Việt Nam cũng đã nêu rất rõ ràng, nếu mang phế thải, chất thải vào lãnh thổ thì buộc phải vận chuyển ra và trả lại nước gốc. Chính phủ các nước cũng có quan điểm kiên quyết yêu cầu các lô hàng chất thải, phế thải vận chuyển ra khỏi lãnh thổ của họ.
Chúng tôi đang phân loại các container đang tồn tại cảng biển, nếu phát hiện rõ là phế thải, chất thải hay phế liệu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy chuẩn sẽ kiên quyết buộc các hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ và hoàn trả về nước gốc. Toàn bộ chi phí các hãng tàu và các bên liên quan phải chịu. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính (cơ quan Hải quan), Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao để làm việc các bên liên quan, các hãng tàu và các nước nhận lại lô hàng đó để Việt Nam không bị biến thành bãi rác phế thải của thế giới”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, so với số liệu đầu 2019 khoảng gần 24.000 container lưu giữ tại cảng, gồm cả các container tồn đọng trên 90 ngày thì đến nay số lượng container tồn đọng tại cảng biển khai báo là phế liệu và hàng đã qua sử dụng nhập khẩu còn chưa tới 10 nghìn container, giảm trên 50%.
Số liệu phế liệu còn tồn đọng tại cảng biển, cơ quan Hải quan đang phân loại xử lý. Ban đầu đã buộc tái xuất một số container xác định là phế thải, phế liệu không đáp ứng được đủ yêu cầu tiêu chuẩn quy chuẩn do Bộ TNMT ban hành. Số lượng container mà cơ quan Hải quan đã yêu cầu các hãng tàu di chuyển ra khỏi lãnh thổ là khoảng 522 container.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận