Hồ sơ tài liệu

Kinh nghiệm lập quỹ hút vốn cho giao thông của Ấn Độ

17/01/2016, 16:17

Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư tư nhân từ trong và ngoài nước.

an do
Ấn Độ lập quỹ hạ tầng hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đối mặt thách thức lớn về vốn để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng cao, Ấn Độ đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư tư nhân từ trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế...

Thiếu hụt 110 tỷ USD

Nhận thấy tầm quan trọng của nguồn vốn tư nhân vào đầu tư hạ tầng, chính phủ Ấn Độ từ lâu đã mở cửa, hút vốn tư nhân qua hình thức dự án hợp tác công - tư (PPP), BOT... Công ty Tư vấn quản lý McKinsey cho biết, tại Ấn Độ, chỉ cần thúc đẩy đầu tư hạ tầng khoảng 1%, tổng thu nhập quốc nội (GDP - 2.066,90 tỷUSD năm 2014) sẽ tạo thêm được 3,4 triệu việc làm.

Ngoài ra, thực tế chứng minh, hình thức đầu tư PPP đã đem lại những lợi ích đáng kể. Nhiều đường băng và các dự án nhà ga, sân bay mới đã hoàn thành nhanh chóng nhờ áp dụng PPP, theo đó, các sân bay tại Ấn Độ tăng hiệu suất và chất lượng trải nghiệm cho hành khách. Chính phủ Ấn Độ ước tính đến đầu năm 2015, riêng 5 sân bay áp dụng mô hình PPP trên tổng số 132 sân bay cả nước đã đón 54% tổng lượng khách mà tất cả các sân bay tại Ấn Độ phục vụ.

Tuy nhiên, hợp tác tư nhân trong xây dựng hạ tầng tại Ấn Độ sau vài năm nở rộ bắt đầu giảm mạnh. Đỉnh điểm năm 2012, đầu tư tư nhân là 23,8 tỷ USD trong khi nửa đầu năm 2014 còn 3,6 tỷ USD (giảm 84%).

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn nằm trong Top 5 nước đầu tư tư nhân lớn nhất trên thế giới, trong đó đứng đầu là Trung Quốc, tới Brasil, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico,... Năm 2013, Ấn Độ nổi lên trên thị trường hợp tác công - tư với 900 dự án ở các giai đoạn phát triển khác nhau được áp dụng hình thức PPP.  Tuy nhiên, ngần đó vẫn chưa đủ, hiện nay Ấn Độ ứ đọng số dự án hạ tầng trị giá 13,5 nghìn tỷ rupees (tương đương 225 tỷ USD) vì thiếu tiền. Trong khi, Chính phủ dự kiến chỉ chi 1 nghìn tỷ rupees vào các dự án này trong năm 2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Jayant Sinha cho biết.

Đồng thời, theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong hai thập kỷ tới, Ấn Độ thiếu hụt khoảng 110 tỷ USD quỹ phát triển đô thị bao gồm các dự án hạ tầng giao thông. Do đó, làm thế nào để tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư, kéo vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng là điều khiến Chính phủ Ấn Độ đau đầu.

Chính sách hấp dẫn

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có những thay đổi chính sách đáng kể; Trong đó, có nới lỏng chính sách đối với các dự án liên quan tới sân bay, đường cao tốc... Mới đây, Chính phủ nước này xúc tiến kế hoạch thành lập một công ty hạ tầng để thu hút đầu tư từ các tổ chức giàu có nhất thế giới.

Từ giữa năm 2015, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch sử dụng nguồn vốn 200 tỷ rupees (tương đương 3 tỷ USD) để thành lập Quỹ Hạ tầng và Đầu tư Quốc gia (NIIF) nhằm “hút” vốn đầu tư từ các tổ chức giàu có trên thế giới. Chính phủ và các tổ chức Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần công ty, phần còn lại là các ngân hàng phát triển đa phương, quỹ đầu tư quốc gia, quỹ lương cùng các tổ chức khác.

Ngoài tài trợ quỹ, NIIF cũng có thể đầu tư trực tiếp vào các dự án. Bộ trưởng Bộ Tài chính Arun Jaitley cho biết: "Rất nhiều quỹ không giới hạn và quỹ lương trên thế giới như: Nga, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả-rập sẵn sàng tham gia vào NIIF và hợp tác với quỹ này ở nhiều mức độ khác nhau”. Đại diện Chính phủ cho biết, NIIF bơm vốn “cứu sống” các dự án đang “ngắc ngoải” và đầu tư vào các dự án mới.

Ông Jayant Sinha nhận định, NIIF là một trong những sáng kiến của Chính phủ để “lấp lỗ hổng hạ tầng”, biến NIIF trở thành dạng “quỹ trong quỹ” - tức là trong NIIF sẽ có rất nhiều các quỹ đầu tư đa dạng khác. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban để lựa chọn, thẩm tra điều kiện do Bộ trưởng Kinh tế Shaktikanta Das đứng đầu nhằm tìm ra giám đốc điều hành cho NIIF. Dự kiến, công việc lựa chọn sẽ kết thúc cuối tháng 1/2016.

img

Đường sắt Hà Lạng đại hội cổ đông lần thứ nhất

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.