Bất động sản

Kinh nghiệm sửa chữa nhà đón Tết siêu tiết kiệm các gia đình cần biết

09/01/2020, 09:06

Sửa nhà đón Tết vào dịp cuối năm là kế hoạch của rất nhiều gia đình. Nhưng làm thế nào để siêu tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức?

img
Sửa nhà đón Tết vào dịp cuối năm là kế hoạch của rất nhiều gia đình. Nhưng làm thế nào để siêu tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức? (Ảnh minh hoạ)

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hoàng Gia chia sẻ, mỗi dịp cuối năm, nhu cầu sửa nhà đón Tết của các gia đình tăng cao. Ai cũng mong muốn có một ngôi nhà đẹp để đón Tết, sum vầy bên gia đình, bạn bè và người thân. Nhưng sửa chữa như thế nào để siêu tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức thì không phải ai cũng biết.

Ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm: Để khoa học và dễ kiểm soát, cần phải lập danh sách cụ thể những vị trí cần sửa nhà. Vị trí nào còn băn khoăn nên trao đổi thêm với những người trong gia đình, bạn bè người thân để được tư vấn hợp lý.

Cụ thể hoá các mục sửa nhà theo thứ tự, ví dụ như: 1– Sửa chữa chống thấm, ốp lát lại nhà vệ sinh; 2– Róc tường cũ trát lại...

Sau khi đã lập được hạng mục sửa chữa, liên hệ một vài nhà thầu sửa nhà đến để nhờ họ tư vấn, khảo sát công trình và lên bảng giá sửa nhà, tránh phát sinh ngoài tầm kiểm soát.

"Hãy lựa chọn lấy một bảng giá tốt, hợp lý nhất, thể hiện tất cả các hạng mục, công việc cần sửa chữa một cách rõ ràng “sửa gì tính đó”, chi tiết đầy đủ từ vật liệu, vật tư đến chất lượng, phương án, tiến độ thi công, bảo hành. Quan trọng nhất là đảm bảo căn nhà an toàn về kết cấu, công năng sử dụng", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, ngoài ra cũng cần lưu ý các yếu tố mang tính tâm linh, đó là những thủ tục hết sức quan trọng như xem ngày, xem tuổi, làm lễ động thổ, xin phép sửa nhà. Dẫu biết những yếu tố tâm linh không hiện hữu nhưng "có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Quân, kiến trúc sư Công ty CP nội thất Thành Đô lưu ý thêm, nhiều người nghĩ rằng càng sửa nhà càng nhiều càng tốt nhưng đây lại là quan niệm sai lầm. Hành động này không những khiến ngôi nhà trở nên hỗn loạn, không khớp với nhau mà còn tốn rất nhiều chi phí đập đi xây lại. Vì vậy, khi bắt tay vào cải tạo nhà nên ưu tiên sửa những phần quan trọng nhất, sau đó mới đến những chi tiết nhỏ xung quanh.

Rất nhiều người sau khi cải tạo nhà gặp các vấn đề rắc rối như chiếc tủ lạnh cũ không vừa với vị trí muốn đặt, cách quá xa ổ điện… Để ngăn chặn những điều bất tiện xảy ra, cần phải đo đạc cẩn thận, thử nghiệm kỹ trước khi tiến hành thi công.

Thường trong quá trình thi công, sửa chữa nhà cửa ít khi đi theo đúng kế hoạch đặt ra vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chi phí và thời gian thi công, do vậy cần lập dự phòng, dự phòng tối thiểu 10-15% thời gian và kinh phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.