Kể từ năm 2015 đến nay, lực lượng CSGT Singapore đã tiến hành tiếp nhận hình ảnh và clip ghi lại các hành vi các phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật GTĐB từ người dân để làm căn cứ xử phạt và cho hiệu quả khá tốt.
Nộp trực tuyến, kêu gọi các hội/nhóm hỗ trợ
CSGT Singapore bắt đầu tiếp nhận hình ảnh, clip người dân ghi hình các phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật GTĐB để làm cơ sở xử lý vi phạm từ tháng 3/2014. Sau 5 năm đi vào hoạt động, ngày càng có nhiều người báo cáo những vi phạm khi tham gia giao thông cẩu thả trên đường phố, số vụ triệu tập nhờ báo cáo của người dân đã tăng 1,5 lần.
CSGT Singapore tiết lộ, năm 2018, nhờ báo cáo qua video của người dân, đã có 2.500 trường hợp vi phạm bị triệu tập để xử lý, theo Strait Times.
Người tham gia giao thông (TGGT) có thể báo cáo các vi phạm giao thông tại trực tiếp đồn cảnh sát hoặc thông qua cổng ý kiến trực tuyến của CSGT Singapore.
Khi báo cáo hành vi vi phạm, người TGGT phải đảm bảo có thể ra làm chứng trước tòa và cung cấp bằng chứng video xác thực. Toàn bộ quá trình làm thủ tục trình báo qua trực tuyến được thực hiện trong khoảng 15 phút.
Trước khi CSGT Singapore ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm giao thông, đã có nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebook như “Nhóm báo cáo những người lái xe cẩu thả Singapore Roads.sg và Beh Chia Lor” được lập ra để các tài xế cùng chia sẻ những hành vi sử dụng đường bộ không hay trên đường phố qua video cắt từ camera hành trình.
Các nhóm này có tới hàng trăm nghìn người theo dõi và thường xuyên nhận được đông đảo feedback, khoảng 5 video/ngày. Do đó, để nâng cao hiệu quả xử phạt, cảnh sát Singapore không ngần ngại kêu gọi các nhóm cùng hợp tác để cảnh báo những hành vi tham gia giao thông mất an toàn.
CSGT Singapore cho biết, nhờ sự bùng nổ của những nhóm tài xế trực tuyến như vậy đã làm nổi bật lên những vấn đề liên quan đến an toàn đường bộ.
Kể từ khi được đồng nghiệp giới thiệu tới một số trang trực tuyến chuyên đăng tải những vụ TNGT, cũng như các trường hợp suýt va chạm và những tài xế thiếu thận trọng, anh Toh (không phải tên đầy đủ của nhân vật) đã đăng tải hơn 10 video clip được cắt từ camera hành trình lên Cộng đồng tài xế Singapore, Roads.sg, Beh Chia Lor.
Anh Toh với 15 năm kinh nghiệm lái xe cho biết, luôn có thói quen đăng tải các clip của mình để cảnh báo người điều khiển phương tiện về nguy hiểm trên đường bộ.
Ông Marc Lim, người sáng lập ra Cộng đồng tài xế Singapore với 113.000 người theo dõi trên Facebook cho biết, ông muốn “lan truyền những nhận thức về đường bộ tại Singapore nhanh hơn và để người tham gia giao thông biết tình hình thực tế trên đường bộ”.
“Chúng tôi tin rằng, nếu bằng chứng được đăng tải lên nhóm có thể cứu sống một người tham giao thông trên đường thì cũng là giúp đỡ cả gia đình và bạn bè họ vậy”, ông nói thêm và cho biết, mỗi ngày nhóm của ông nhận được 10-15 video báo cáo.
Nên trình báo cảnh sát thay vì đăng lên mạng
Từ ngày 1/8, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP HCM tổ chức tiếp nhận hình ảnh, clip người dân ghi hình các phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật GTĐB để làm cơ sở “phạt nguội”. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày đầu triển khai cho thấy, chủ trương này khó khả khi. Nguyên nhân bởi cách thức tiếp nhận thủ công, rườm rà (người dân phải trực tiếp đến trụ sở đơn vị CSGT để cung cấp) khiến nhiều người dân, dù có ghi nhận được hình ảnh, clip vi phạm cũng ngại cung cấp.
Theo một số chuyên gia, việc trình báo trực tiếp video qua trang web của CSGT sẽ tốt hơn đăng tải lên các hội nhóm lái xe trên mạng xã hội bởi nó sẽ đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng tới quyền và thông tin cá nhân của những người xuất hiện trong clip.
Bên cạnh đó, những hình ảnh được cắt từ camera hành trình chỉ cung cấp một phần của sự việc, không thể qua đó để đánh giá toàn cảnh và buộc tội ai đó. Vì vậy, khi đăng những hình ảnh này lên mạng xã hội, cộng đồng mạng thường chỉ nhìn được một phần của sự thật dẫn đến đưa ra những nhận định sai lầm và gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của những người xuất hiện trong video.
Còn nếu trình báo lên cảnh sát, những thông tin đó sẽ được cơ quan chức năng thẩm định, điều tra toàn diện, tìm ra sự thật và phạt đúng người, đúng tội.
Sự việc nổi đình, nổi đám trên mạng xã hội tại Singapore vừa qua liên quan đến video va chạm giữa một tài xế xe BMW và một xe Chervolet trên đường cao tốc Pan-Island, Singapore là ví dụ điển hình.
Đầu tiên, tài xế BMW đăng tải clip, trong đó anh bị một tài xế khác nổi đoá vì không nhường đường. Sau clip này, một làn sóng chỉ trích rộ lên nhắm vào người điều khiển xe BMW.
Tuy nhiên, sau khi lái xe Chervolet đăng tải hình ảnh trích xuất từ camera hành trình, cư dân mạng lại chuyển sang chỉ trích anh này vì lái xe cẩu thả nguy hiểm, lạng lách đánh võng và phanh gấp ngay trước đầu mũi xe BMW.
Tờ Today của Singapore dẫn lời một số luật sư cho biết, ví dụ này chính là minh chứng cho thấy những video trích xuất từ camera hành trình chỉ nói lên một phần sự thật và cần phải được điều tra làm rõ trước khi nhận định, đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận