Khách sạn Chérie trên đường Trần Phú luôn mở cửa cho người dân sử dụng nhà vệ sinh |
Gần một năm triển khai mô hình “xã hội hóa” vận động chủ nhà hàng, khách sạn tham gia mô hình nhà vệ sinh cộng đồng miễn phí đã mang lại hiệu quả tích cực và được người dân, du khách nhiệt thành đón nhận.
Mô hình độc đáo
Điểm dễ nhận biết các nhà vệ sinh cộng đồng là logo tròn in hình mặt cười 2 màu trắng xanh với dòng chữ “Thoải mái như ở nhà” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh (Comfort as home) được dán ngay tại các biển tên nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, ngân hàng, hay dưới các bảng số nhà… Chưa đầy 30 phút, tại khách sạn Brillant trên đường Bạch Đằng (Hải Châu), vài du khách chỉ trỏ logo, rồi ra vào với vẻ hài lòng, thoải mái. Dọc tuyến đường trung tâm như Trần Phú, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phan Chu Trinh… ngày càng có thêm nhiều logo gắn bảng chỉ dẫn nhà vệ sinh cộng đồng cho người dân, du khách.
Anh Trần Quang (32 tuổi, trú Duy Xuyên, Quảng Nam) bất ngờ: “Tôi từng đến nhiều tỉnh thành nhưng chưa thấy ở đâu có hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, lịch sự và ấn tượng như Đà Nẵng. Đúng là thành phố đáng sống”.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương nhân rộng mô hình nhà vệ sinh cộng đồng miễn phí. Theo ông Lê Anh, nhiều tỉnh thành khác đang học hỏi để có thể ứng dụng mô hình nhà vệ sinh cộng đồng đa tiện ích, thân thiện và hiệu quả. |
Thống kê của Hội doanh nghiệp quận Hải Châu, chưa đầy một năm triển khai, Ban quản lý dự án này đã kêu gọi, nhân rộng nhà vệ sinh cộng đồng ra hơn 80 địa chỉ. Anh Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Thạch Bàn - miền Trung, người “khởi xướng” ý tưởng cho hay, vài lần gặp “thế bí” ngay trên đường nhưng không biết tìm nhà vệ sinh ở đâu nên tôi tự hỏi tại sao không đề xuất ý tưởng “xã hội hóa” để Đà Nẵng có thêm nhiều cơ sở giải quyết nhu cầu tối thiểu của bản thân. Với thành phố du lịch, đòi hỏi này càng thêm cấp bách. Mặt khác, qua khảo sát, hệ thống các nhà vệ sinh công cộng của Đà Nẵng chưa đến 20 cái.
Được đề xuất, Hội doanh nghiệp quận Hải Châu trực tiếp do Chủ tịch UBND quận Lê Anh là Chủ tịch Hội đã trình thành phố. Đà Nẵng lập hẳn một Ban quản lý dự án liên ngành và một số doanh nghiệp hội viên tham gia. Các đơn vị gõ cửa từng chủ nhà hàng, khách sạn kiên trì vận động, thuyết phục cùng chung tay xây dựng hình ảnh thành phố. Từng địa chỉ tham gia sẽ được dán logo nhận biết, cam kết hỗ trợ nhà vệ sinh và cả tinh thần, thái độ cởi mở, thân thiện. Tháng 4/2015, Ban quản lý dự án chính thức ra mắt mô hình nhà vệ sinh cộng đồng miễn phí. Chưa đầy năm sau, con số này đã nhân lên gần 80 lần và được phần lớn các doanh nghiệp, chủ nhà hàng, khách sạn tham gia.
Hiệu quả lớn
Ông Lê Anh đánh giá, chỉ thời gian ngắn đưa mô hình này vào thực tế đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, vào mùa cao điểm lễ hội, du lịch, du khách đến với các tuyến phố trung tâm không còn áp lực nhu cầu tối thiểu. Đặc biệt, mô hình triển khai hoàn toàn xã hội hóa nên giảm tối đa chi phí đầu tư, quản lý vận hành các nhà vệ sinh cộng cộng đồng thời khắc phục hạn chế của những nhà vệ sinh này. “Mô hình này còn thể hiện sự chân thành và mến khách của người dân Đà Nẵng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể”, ông Anh nói.
Bà Trần Thị Minh Ngọc, quản lí tại khách sạn Chérie trên đường Trần Phú cho biết, tham gia dự án nhà vệ sinh cộng đồng cho biết, từ đầu triển khai, trung bình mỗi ngày có vài chục lượt khách tham gia sử dụng nhà vệ sinh. Có một số người mới vào ngần ngại nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở các nhân viên hướng dẫn, cởi mở và thân thiện nhất đón tiếp mọi người.
Từ khi nhân rộng mô hình nhà vệ sinh cộng đồng miễn phí, các tuyến phố trên địa bàn lập lại trật tự, văn minh, văn hóa hơn và không còn cảnh “tiểu bậy”. Từ năm 2015, triển khai “Năm văn hóa văn minh đô thị”, Đà Nẵng áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh như phạt tiền từ 200-300 nghìn đồng đối với người phóng uế, tiểu bậy không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn và khó triệt để. Cốt lõi vấn đề do thiếu nhà vệ sinh công cộng để có thể giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận