Trong nước

Kình ngư Việt từ ao làng ra biển lớn

01/01/2017, 07:36
image

Chỉ trong đúng hai năm, môn bơi có những thay đổi lớn, làm nên điều kỳ diệu với 8 kình ngư đoạt 10 HCV...

Anh boi_ Anh Vien1_VMRF

Ánh Viên tham dự giải bơi ở Nhật Bản. Ảnh: TL.

Chỉ trong đúng hai năm, môn bơi có những thay đổi lớn, làm nên điều kỳ diệu với 8 kình ngư đoạt 10 HCV, phá 10 kỷ lục tại SEA Games và mới đây nhất là tấm HCV lịch sử tại giải Vô địch châu Á 2016.

10 năm chìm nổi với ba đứa “con độc”

SEA Games 1989, khi thể thao Việt Nam (TTVN) trở lại với đại gia đình thể thao khu vực Đông Nam Á, bơi lội là môn thi ta góp mặt. Thế nhưng, tất cả đã thấy ngay một sự thật phũ phàng, khi các VĐV Việt Nam tốt nhất thời điểm ấy đã tụt lại một khoảng quá xa so với các đối thủ trong khu vực. Dù chỉ dự tranh một số cự ly ngắn ở nội dung phổ thông (như bơi tự do) song các tuyển thủ Việt Nam đều xếp cuối, với các thông số vô cùng thảm hại.

Do không thể đáp ứng được thành tích trước mắt như hàng loạt các môn “đi tắt đón đầu”, nên bơi chỉ luôn được coi là môn thuộc diện thứ yếu của TTVN. Tiếng là môn cơ bản hàng đầu của mọi nền thể thao, nhưng sự quan tâm đầu tư cho bơi suốt một thời gian dài gần như chỉ cho có, được chăng hay chớ.

Xem thêm video:

Theo nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam Ngô Chí Thành, giới chuyên môn từng đặt câu hỏi đầy bức xúc: Việt Nam không cần phát triển môn bơi, hay ở Việt Nam bơi không phải là môn thể thao cơ bản, khác với quan niệm của cả thế giới? Trước các kỳ SEA Games, từng có những cuộc tranh luận nảy lửa về việc có nên tiếp tục tham dự môn bơi hay không, bởi vừa tốn kém lại vừa… xấu hổ vì thành tích quá yếu kém. Chỉ đến khi sự xuất hiện theo kiểu đột xuất của kình ngư người Quảng Bình Trần Xuân Hiền đã phần nào làm thay đổi cả cách nghĩ, cách làm của môn bơi. Trong suốt hai năm chuẩn bị cho SEA Games 2001, tài năng trẻ này đã được đầu tư theo cách tương đối chuyên biệt, do HLV giỏi nhất nước lúc bấy giờ là Đỗ Trọng Thịnh kèm cặp riêng, được tập huấn nước ngoài thường xuyên, theo các đợt khác nhau. Chế độ dinh dưỡng, thuốc men dành cho Hiền cũng tốt hơn hẳn các tuyển thủ khác.

Đến cuộc đấu trên đất Malaysia, không chỉ môn bơi mà cả lãnh đạo Đoàn TTVN đều nín thở chờ màn trình diễn quyết định của Xuân Hiền ở cự ly 100m ếch. Nỗi lo lắng đã đè nặng sau khi Hiền thi xong vòng loại, dù lọt vào chung kết, song văng xa khỏi 3 thứ hạng đầu. Niềm vui như vỡ òa khi ở lượt thi chung kết, nhờ cú tăng tốc mãnh liệt trong đoạn cuối, tuyển thủ quê Quảng Bình đã bứt lên rồi chạm đích thứ 2, với 1 phút 04 giây 94, giành tấm HCB lịch sử, giải cơn khát huy chương 28 năm đằng đẵng của bơi Việt Nam.

HLV Đặng Anh Tuấn đã tạo ra một Ánh Viên kiệt xuất

HLV Đặng Anh Tuấn đã tạo ra một Ánh Viên kiệt xuất cho bơi lội Việt Nam. Ảnh: Việt Cường.

Ngặt nỗi, Hiền chỉ nổi ở một cuộc đầu duy nhất rồi tắt lịm. Cũng may mắn cho bơi Việt Nam, thay vào đó là một “con độc” khác, Nguyễn Hữu Việt. Là con nhà nòi ở đất bơi Thủy Nguyên (Hải Phòng), mới 10 tuổi, Hữu Việt đã được tuyển vào tuyến năng khiếu, sớm bộc lộ những tố chất hiếm có, đặc biệt phù hợp với loại hình bơi ếch. Chỉ sau đúng hai năm ăn tập, kình ngư sinh năm 1988 đã vô đối tại các giải trẻ toàn quốc. Khả năng vươn xa rất rõ ràng, thế nhưng bước ngoặt cho sự nghiệp của Việt đến từ một quyết định mang tính đột phá của UBND TP: Chi tiền tỷ đưa tài năng trẻ 14 tuổi sang Trung Quốc tập huấn dài hạn từ năm 2002.

Đến SEA Games 2005, với một Hữu Việt đang bắt đầu bước vào độ “chín”, bơi Việt Nam đã lần đầu có thể tin tưởng sẽ giành huy chương, chứ không còn hy vọng mong manh. Ai cũng đoán chắc Việt sẽ có huy chương, chỉ chưa biết sẽ là màu gì, còn bản thân tay bơi 17 tuổi chỉ dám mơ một tấm HCB. Nhưng kình ngư 17 tuổi còn làm được hơn thế, anh đã giải cơn khát Vàng kéo dài tới 44 năm đằng đẵng cho TTVN.

Khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng đoàn TTVN đã nói, “món nợ” suốt 16 năm kể từ khi tái hội nhập SEA Games của cả ngành Thể thao mới được trả. Sau Việt, cũng phải đến năm 2011, bơi Việt Nam mới lại xuất hiện một “con độc” nữa là Hoàng Quý Phước. Kình ngư người Đà Nẵng cũng gây chấn động khi trở thành kình ngư đầu tiên giành 2 HCV tại một kỳ đại hội, ở hai nội dung rất khó: 100m bướm và 100m tự do.

Hiện tượng Ánh Viên và kỳ tích 10 HCV

Hiện tượng Nguyễn Thị Ánh Viên hội tụ cả hai yếu tố cơ bản của thể thao. Đó là tố chất vận động viên và sự đầu tư. Ngay từ nhỏ, Ánh Viên đã thể hiện tố chất, sự phù hợp với đường bơi xanh, thậm chí còn vượt trội so với đàn anh. Chưa kể những ưu thế nổi trội về ý chí, bản lĩnh và sự bền bỉ vô cùng khó tin. Nhưng cũng cần lưu ý, chưa từng có kình ngư Việt Nam nào được phát hiện kịp thời rồi được đặt đúng vào một môi trường đào luyện hàng đầu thế giới trên đất Mỹ như Viên, bắt đầu từ năm 2012 ở tuổi 16.

Hai yếu tố chủ quan và khách quan ấy cùng hội tụ và rồi chỉ mất chưa đầy hai năm, Viên đã chạm tới tầm châu lục.

Tại SEA Games 2013, bơi Việt Nam đã gây kinh ngạc khi giành 5 HCV (3 của Ánh Viên) bằng con số đúng cả 12 kỳ đại hội trước cộng lại. Theo đánh giá, bước tiến của môn này qua bốn năm từ Quý Phước đến Ánh Viên đã “bù” cho cả ba thập kỷ, kể từ cột mốc tái hội nhập SEA Games.

Số HCV gấp Thái Lan… 10 lần

Có một môn của TTVN đã có thể ngẩng cao đầu ở thế thượng phong với người Thái ở đấu trường SEA Games, đó chính là bơi lội. Tại SEA Games 28, số HCV của bơi lội Việt Nam gấp 10 lần Thái Lan. Trong khi Việt Nam đại phá đường đua xanh với 10 HCV thì cường quốc số 1 khu vực chỉ giành 1 HCV.

Nỗi đau của bơi lội Thái Lan càng lớn bởi họ phải ngậm ngùi nhận tới 10 HCB, với 5 nội dung thua trực tiếp Việt Nam, chủ yếu là thua Ánh Viên.

Chỉ hai năm sau, đến SEA Games 28, môn này lại tiếp tục gây sốc với kỳ tích 8 kình ngư giành 10 HCV, 10 kỷ lục, để vọt lên đứng thứ 2 toàn đoàn, áp sát siêu cường Singapore. Bơi Việt Nam đã vẽ lại bản đồ làng đua xanh SEA Games theo cách đầy thuyết phục, trong đó 8 HCV kèm theo 8 kỷ lục được phá của Ánh Viên được đánh giá là hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” tại một kỳ SEA Games.

Năm 2016, chính cô gái 20 tuổi người Cần Thơ lại nối dài đỉnh cao cho bơi Việt Nam với việc đoạt hạng 9 Olympic, và mới đây nhất là một tấm HCV lịch sử tại giải Vô địch châu Á.

“Sau nhiều năm nỗ lực và bền bỉ đầu tư, bơi Việt Nam đã hoàn toàn có thể tự tin nhắm tới mục tiêu châu lục và thế giới. Chúng ta có những nhân tố đủ khả năng vươn cao nếu được đầu tư tốt. Rõ ràng việc tuyển chọn, đào tạo VĐV theo hướng “mũi nhọn trọng điểm” đã cho thấy sự đúng đắn và hiệu quả”, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam Đinh Việt Hùng đánh giá.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.