Tại cuộc thảo luận về Luật điện ảnh của Quốc hội hôm 23/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công nghiệp điện ảnh có vị trí quan trọng trong phát triển đất nước, chưa nói tới nguồn thu và tính giáo dục của điện ảnh trong đời sống.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận ở tổ về dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN
"Công nghiệp điện ảnh và phát triển đất nước có vị trị quan trọng. Nhiều nước đi từ công nghiệp điện ảnh để quảng bá đất nước, trong đó ở châu Á có Hàn Quốc đã làm những bộ phim như: Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum… cách đây 20 năm giới thiệu về đất nước, con người Hàn Quốc. Văn hóa soi đường quốc dân đi - đây là một loại hình văn hóa, nghệ thuật thì có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không?", Chủ tịch nước đặt câu hỏi.
Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Luật điện ảnh phải tạo hành lang pháp lý, điều kiện cho điện ảnh phát triển chứ không cản trở hay làm hư hỏng ngành nghệ thuật.
Trong những năm trở lại đây, điện ảnh Việt bắt đầu có sự chuyển mình khi gây tiếng vang ở các Liên hoan phim (LHP) quốc tế, có uy tín như: LHP Busan, LHP Berlin, LHP Hong Kong... Một số dự án điện ảnh nhận được sự đón nhận tích cực trong việc quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nhưng chưa trở thành yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, du lịch như điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hàn Quốc mất 20 năm trở thành "con rồng" châu Á
Những năm 1970-1980, điện ảnh Hàn “lép vế” trước sự phát triển mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng sâu rộng của điện ảnh Nhật Bản, Trung Quốc…
Khoảng 20 năm sau, Hàn Quốc dần trở thành "con rồng" của điện ảnh châu Á khi có tốc độ phát triển như vũ bão về chất lẫn về lượng, trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Hàn Quốc, cùng với công nghệ. Kinh tế Hàn Quốc cũng đã trở nên giàu có hơn trong 2 thập niên qua.
Squid Game là tựa phim Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng tại Mỹ và hầu hết 83 thị trường của nền tảng giải trí Netflix
Thậm chí, ngay cả thời điểm dịch bệnh, khi phần lớn nền điện ảnh thế giới bị đóng băng, Hàn Quốc vẫn bất chấp vươn lên.
KBS cho biết, trước đó, doanh thu ngành điện ảnh Hàn Quốc vào năm 2004 từng đạt 1.500 tỷ won (khoảng 1,4 tỷ USD), và giảm xuống 1.198,4 tỷ won (1,1 tỷ USD) năm 2009, nhưng chưa lần nào dưới 1.000 tỷ won. Doanh thu năm 2014 lần đầu cán mốc 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD), năm 2019 đạt 2.509,3 tỷ won (2,3 tỷ USD).
Theo Bloomberg, giá trị xuất khẩu giải trí của Hàn Quốc năm 2020 (bao gồm lĩnh vực phát hành, phim ảnh, nhạc và chương trình truyền hình) đã tăng 6,3%, dù tổng lượng hàng hóa xuất khẩu giảm 5,4% do đại dịch.
Bằng chứng gần đây nhất là trường hợp của bom tấn "Squid game" do Netfilx đầu tư sản xuất. Với hơn 130 triệu người xem, Netflix ước tính "Squid Game" đã mang lại cho công ty này giá trị gần 900 triệu USD.
Trong khi, chí phí sản xuất chỉ rơi vào khoảng 21 triệu USD, tức là bằng khoảng 1/40 doanh thu. Thậm chí, cổ phiếu của Bucket Studio, đơn vị nắm giữ cổ phần trong công ty đại diện cho diễn viên chính của bộ phim này, đã tăng gấp đôi trong tháng 9.
Thực tế, việc một dự án phim truyền hình mang đến "hiệu ứng domino" cho nền kinh tế trị giá hàng tỷ USD không phải là điều xa lạ ở xứ kim chi. Còn nhớ, năm 2016, bom tấn "Hậu duệ mặt trời" đã mang lại hơn 2,5 tỷ USD, theo KBS.
Đại diện của đoàn làm phim Parasite tại lễ trao giải Oscar vào ngày 9/2/2020
Hay trường hợp của "Ký sinh trùng", kể từ khi đoạt được tới 4 giải Oscar vào năm 2019, cổ phiếu của những công ty đứng sau bộ phim này đang tăng giá chóng mặt.
Barunson E&A, công ty đã đầu tư 11 triệu USD vào việc sản xuất bộ phim nói trên đã chứng kiến mức tăng giá cổ phiếu kỷ lục từ ngày 10 - 13/2. Giá cổ phiếu của công ty này vào ngày 7/2 là 2.000 won (39.000 đồng) thì đến ngày 10/2 (thứ 2) đã tăng lên hơn 2 lần, chốt ở 4.470 won (hơn 87.000 đồng). Giá cổ phiếu của CJ - công ty phân phối bộ phim cũng tăng 10% trong khoảng thời gian từ 7 - 17/2.
"Ký sinh trùng đạt doanh thu 86 tỷ won (hơn 1,6 nghìn tỷ đồng) và lợi nhuận ước tính đạt mức 21,5 tỷ won (khoản 421 tỷ đồng)", Korea Head trích lại lời của nhà đầu tư Oh Tea-hwan.
Diễn viên Trung Quốc kiếm bộn tiền
Trong khi điện ảnh Hàn Quốc phát triển như vũ bão, điện ảnh Trung Quốc đại lục cũng đang hiện thực hóa tham vọng "bá chủ thế giới" trong thập kỷ qua.
Dương Mịch là một trong những ngôi sao Hoa ngữ có thu nhập "khủng"
Đến nay, Trung Quốc là quốc gia sở hữu số lượng rạp chiếu phim nhiều nhất thế giới, với 14.235 rạp chiếu phim với tổng cộng 80.743 màn hình chiếu. Số lượng thuê bao đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến do chính nước này sản xuất nhiều hơn tổng số thuê bao trên toàn thế giới. YouTube, Netflix hay Amazon không thể hoạt động ở đây.
Với ít nhất 800 triệu người dùng Internet, Trung Quốc cũng trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về vấn đề này. Có 2% trong số người dùng có thói quen truy cập Internet qua điện thoại di động - đồng nghĩa với sự xuất hiện của một môi trường tiềm năng về dịch vụ thanh toán qua di động trong tương lai. Hơn 90% vé xem phim được bán qua hình thức thanh toán online.
Những năm gần đây, phim truyền hình hoặc phim chiếu mạng dài tập của Trung Quốc được xuất khẩu liên tục. Những phim hot nhanh chóng được các quốc gia lân cận mua bản quyền phát lại.
Cách đây 6 năm, sau khi Netflix mua Hậu cung chân hoàn truyện để phát lại, Trung Quốc thừa thắng xông lên, đã xuất khẩu đến 381 phim. Điều này góp phần không nhỏ nâng cao giá trị của phim truyền hình Trung Quốc.
Theo Cơ quan quản lý điện ảnh Trung Quốc, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, với doanh thu phòng vé trong năm nay đã đạt 40,1 tỷ NDT (khoảng 6,2 tỷ USD) tính đến ngày 10/10.
Trước khi vướng lùm xùm trốn thuế vào đầu năm 2020, thu nhập của Trịnh Sảng khiến nhiều người mơ ước
Điện ảnh Trung Quốc không chỉ đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhà sản xuất mà rõ ràng nhất là đối với ngôi sao bước ra từ một tác phẩm thành công.
Trang QQ thậm chí phải thốt lên rằng: "Nghệ sĩ Hoa ngữ dễ dàng kiếm hàng tỷ đồng chỉ với một tập phim. Thu nhập này thậm chí còn vượt xa các nghệ sĩ ở Hàn Quốc, Nhật Bản".
Đơn cử, Trịnh Sảng từng nhận cát-xê 24,6 triệu USD cho 77 ngày đóng phim vẫn khiến dư luận Trung Quốc sục sôi. Trung bình cát-xê một ngày của nữ diễn viên là 331.000 USD (khoảng 7,7 tỷ đồng).
Dương Mịch năm 2018 nhận cát-xê trung bình 132.000 USD/tập (hơn 3 tỷ đồng). Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa cũng nhận từ vài triệu cho đến chục triệu USD khi đóng phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận