Xung đột miền Đông Ukraine khiến kinh tế thế giới suy giảm |
Yếu và không đồng đều
Đây là lần thứ ba IMF hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu do triển vọng không mấy sáng sủa tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Trung Đông và Nhật Bản, cũng như tình hình suy thoái ở một số thị trường mới nổi. Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, IMF dự báo tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm nay, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 7 và hạ GDP trong năm 2015 từ 4% xuống còn 3,8%.
Tổng thống Petro Poroshenko cho biết, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng ở Donetsk và Luhansk đã bị phá hủy nghiêm trọng do các cuộc giao tranh. 42% tiềm năng công nghiệp và một nửa cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Các khu mỏ, lò cao và nhà máy hóa chất bị đóng cửa. Bộ Phát triển kinh tế và thương mại Ukraine cũng cho biết, khoảng 50 - 80% các tập đoàn công nghiệp tại miền Đông không hoạt động. Sản lượng công nghiệp giảm 50% trong tháng 7 và tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. |
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế Olivier Blanchard cho rằng: “Rõ ràng sự phục hồi vẫn còn yếu và không đồng đều. Nếu nhìn vào các nền kinh tế phát triển thì Mỹ đã làm khá tốt, trong khi Eurozone và Nhật Bản lại không. Và các nước mới nổi gặp vấn đề với tiềm năng tăng trưởng”.
Mặc dù Mỹ và Anh được kỳ vọng có sức bật mạnh nhưng do khu vực Eurozone và Nhật Bản phục hồi ì ạch nên các nền kinh tế phát triển chỉ đạt tăng trưởng 1,8% năm nay và 2,3% trong năm 2015, thấp hơn mức dự báo 2,4% đưa ra hồi tháng 7.
Mức tăng trưởng không đều cũng được dự báo ở nhóm các nền kinh tế mới nổi khi Trung Quốc và Ấn Độ được giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng lần lượt đạt 7,4% và 5,6% năm 2014, trong khi khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe có thể chỉ tăng trưởng 1,3%.
“Tôi muốn nói ngắn gọn về những đám mây địa chính trị. Nó không phải là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp nhưng chúng tôi phải đặt những yếu tố này, vì nó có tác động đến sự ổn định tài chính kinh tế cũng như sự thịnh vượng. Các diễn biến ở Ukraine, Trung Đông, một số khu vực châu Á và đặc biệt là dịch bệnh Ebola, nếu không được giải quyết, sẽ trở thành mối lo ngại nghiêm trọng và gây ra những rủi ro đáng kể”, Tổng Giám đốc IMF - Christine Lagard nói.
Duy trì lãi suất thấp
Ngày 1/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2014 và 2015. Theo đó kinh tế Nga năm nay chỉ tăng 0,8%, một phần do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và căng thẳng địa chính trị leo thang với Ukraine. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2015 của Nga từ 1% xuống còn 0,5%.
Người đứng đầu phái bộ IMF tại Nga Antonio Spilimbergo cho biết: “Những bất ổn địa chính trị có tác động lớn, trực tiếp tới nền kinh tế Nga thông qua các biện pháp trừng phạt. Việc tiếp cận thị trường bên ngoài bị hạn chế, nếu không muốn nói là không thể, nó cũng khiến các nhà đầu tư miễn cưỡng khi đầu tư vào Nga”.
Một yếu tố khác cũng tác động đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu là sự bùng phát dịch Ebola. Ông Rupa Agupta thuộc Cơ quan nghiên cứu kinh tế thế giới của IMF cho rằng: “Ngoài những tác động về mặt nhân đạo, dịch Ebola có tác động tiêu cực khá mạnh đối với ba nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Siera Leon, Liberia và Guinea - là cơ sở chúng tôi hạ dự báo về tăng trưởng toàn cầu”. IMF cũng quyết định triển khai gói viện trợ 130 triệu USD cho các nước để có nguồn ngân sách bổ sung cho đối phó với dịch Ebola.
Trước triển vọng không mấy sáng sủa, IMF khuyến cáo các nền kinh tế lớn như: Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cần tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng. Ngân hàng T.Ư châu Âu cân nhắc chương trình mua Trái phiếu Chính phủ khi cần thiết để tránh tình trạng giảm phát. Ngoài ra, các nước cần tiến hành một loạt cải cách như cải thiện chính sách đối với thị trường lao động, ngăn chặn nạn trốn thuế và tăng đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Hà Ngọc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận