Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại trên 200 nước. Nền kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên chưa thể mở hoàn toàn như trước đây.
Ông Phương nhấn mạnh trạng thái bình thường mới sẽ được cân nhắc trong xây dựng kịch bản phát triển kinh tế khi Covid-19 vẫn còn tồn tại. Các chính sách đề ra phải đạt được 2 mục tiêu, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.
“Nêu ví dụ chính sách vận tải hàng không mới mở nội địa. Nếu mở các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải thực hiện quy định về cách ly. Việc đảm bảo an toàn này lại hạn chế kinh doanh hàng không chưa thể nhộn nhịp như trước đây”, ông Phương nói.
Trong tương lai khi dịch kết thúc trên thế giới, Chính phủ sẽ tiến hành các chính sách đón đầu cơ hội.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, để tháo gỡ khó khăn, nền kinh tế cần có giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn, rộng hơn, tiếp nối các giải pháp trước đây ban hành, với nội dung quan trọng liên quan đầu tư công, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đây là giải pháp cơ chế, chính sách nên chưa tính xem bao nhiêu tiền, nhưng đây là giải pháp mạnh tiếp nối giải pháp đề ra trong thời gian qua.
Đối với kịch bản phục hồi nền kinh tế, ông Phương cho hay Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu báo cáo Chính phủ định hướng, giải pháp, với ba bước:
Thứ nhất, dịch diễn ra ưu tiên chống dịch thì giải pháp là cầm cự, giảm thiểu tối đa thiệt hại, để phục hồi nhanh sau này.
Thứ hai, nguy cơ và tác động dịch giảm đi nhiều, Việt Nam sẽ phục hồi dần dần, mở lại các hoạt động kinh tế và thúc đẩy thị trường trong nước trước còn thị trường nước ngoài còn phụ thuộc vào diễn biến dịch của nhiều nước.
Với nền kinh tế có độ mở lớn thì phải phòng chống dịch kết hợp với mở dần kinh tế nên Bộ đã xây dựng kịch bản phát triển trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn tồn tại, tức là chính sách kép là phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh.
Thứ ba, là trạng thái tương lai, khi Covid-19 yên ổn trên thế giới, Bộ sẽ trọng tâm nghiên cứu đón bắt cơ hội, dịp ta có thể tận dụng thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước và đòi hỏi phải thay đổi nhiều cơ cấu kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm.
Trong số đó, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tập đoàn kinh tế cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là địa chỉ đầu tiên, nên sẽ bổ sung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận