Rừng tại xã Ngok Réo (Đắk Hà, Kon Tum) ngổn ngang những cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ |
Băm nát rừng xanh
Nhọc nhằn vượt đèo tìm một chỗ đứng trên cao, nhìn ra xa rắng giữa rừng xanh vừa bị triệt hạ. Rừng bị thay thế bởi các rẫy sắn ngút tầm mắt. Thỉnh thoảng trên đỉnh đồi của rẫy sắn có những cây khô bị cháy sém, những cây gỗ còn lại lưa thưa. Người dẫn đường cho chúng tôi nói rằng, những thân cây còn lại hầu như chỉ là giống gỗ tạp, không mấy giá trị nên “không thèm” đốn.
Những con đường nhỏ chằng chịt vào khu rừng lâu lâu lại xuất hiện những cây gỗ bị cưa đốn. Những phần không còn giá trị, lâm tặc bỏ lại ngổn ngang và có cả những cây gỗ lớn một người ôm không xuể, thân thẳng tắp, dài hơn 10m nằm sâu dưới vực chưa bị lâm tặc lấy đi. Quanh thân gỗ ấy, hàng chục cây nhỏ hơn bị gãy nát vì cây gỗ đổ xuống đè bẹp.
Trao đổi với PV, một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, sẽ tiếp nhận thông tin mà PV Báo Giao thông cung cấp về tình hình phá rừng, việc xâm lấn đất rừng tại địa bàn huyện Đắk Hà và sẽ trả lời bằng văn bản cụ thể. |
Là người sống lâu năm ở địa phương, người dẫn đường đưa chúng tôi đến những khu vực bị tàn phá. Chỉ gốc gỗ bằng lăng có thân to hơn hai người lớn ôm đã bị đốn chỉ còn trơ cành lá, người dẫn đường cho biết: “Những thân gỗ tạp chỉ cần đường kính hơn 40cm là bị cưa để bán. Những giống gỗ đó giá trị tương đương với gỗ bằng lăng, tầm 6-7 triệu đồng/khối. Nên người dân thấy cây nào lớn là cưa đốn ngay”.
Ở một khoảng rừng mới bị phá từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, người dẫn đường cho biết: “Người dân dùng máy cưa, san phẳng một khoảng rừng rồi dọn dẹp để trồng lúa, sắn. Những cây gỗ có giá trị sẽ được cưa thành khúc ngắn tầm 1,5- 2m để dễ dàng vận chuyển ra khỏi rừng bán cho khách đặt hàng. Các chủ đầu nậu mua gỗ xong là tìm cách đem đến các xưởng mộc ở khu vực thị trấn, về TP Kon Tum”. Khi được hỏi vì sao lại dễ dàng đến thế, người này đáp gọn lỏn: “Cái đó có đường dây mới đưa gỗ ra khỏi rừng, vận chuyển đến các khu dân cư được chứ. Ai mà chẳng biết!”.
Dẫn chúng tôi đến một gốc câ bị đốn hạ trước đó không lâu, chỉ vào thân cây bị cắt khoảng 1,5m, người chỉ đường cho biết: “Thân cây này trước đây là nu gỗ (đoạn phình to dưới gốc, vân gỗ đẹp), đoạn thân này rất có giá trị nên người dân chỉ cưa mỗi phần đó để bán. Phần thân còn lại ai thích thì lấy…”.
Cơ quan chức năng nói gì?
Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, tình trạng phá rừng không chỉ diễn ra ở địa phận xã Ngok Réo mà còn xảy ra ở một số địa bàn khác thuộc rừng phòng hộ Đắk Hà. Trong đợt truy quét lâm tặc cuối tháng 2 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng cất giấu gỗ và phá rừng tại xã Đắk Pxi. Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện và lập biên bản đối với 53 hộp gỗ xẻ, khối lượng khoảng 6,5m3 (gỗ mít nài, giổi, sến bô bô, lau). Ở xã Ngọc Réo, đoàn kiểm tra cũng phát hiện vụ cất giấu gỗ gồm 8 hộp gỗ xẻ và 13 lóng gỗ tròn, tổng khối lượng hơn 6,1m3 (gỗ xoan mộc, nhóm VI).
Cơ quan Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cũng cho biết thêm, ngày 23/2, đoàn kiểm tra liên cơ quan đã kiểm tra tại khoảnh 5, tiểu khu 365 lâm phần rừng phòng hộ Đắk Hà, phát hiện tại hiện trường có 19 gốc cây gỗ bị chặt hạ trái phép; Chủng loại gỗ bằng lăng, giổi, xoan mộc, chò xót… Đoàn kiểm tra đã bàn giao toàn bộ hiện trường bị khai thác, tang vật vi phạm còn lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Hà có trách nhiệm bảo quản chờ cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, đã chỉ đạo kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép với khối lượng lớn nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trịnh Xuân Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Hà cho biết, mới đây đoàn công tác đã triển khai truy quét trên lâm phần quản lý. “Nắm được thông tin báo chí nêu, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh, khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin sau”, ông Long chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận