Cơ quan quản lý Nhà nước cũng vi phạm
Theo Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) mới đây, đơn vị này đã có văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum đề nghị tiếp tục chỉ đạo xử lý vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Kon Tum.
Người dân lấn chiếm hành lang đường bộ tại tỉnh Kon Tum
Quá trình kiểm tra xử lý trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum cho thấy, có rất nhiều các vị trí vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên đường Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, năm 2021, cơ quan chuyên ngành của Bộ GTVT đã nhiều lần gửi “tối hậu thư” yêu cầu UBND TP Kon Tum chấp hành việc tháo dỡ 5 cổng chào xây dựng trái phép trên đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, Ban QLDA TP Kon Tum cho thi công các công trình trên không phép và ảnh hưởng đến ATGT đường bộ.
Cụ thể: Đoạn tuyến qua địa bàn các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Hà có 10 cá nhân, tổ chức tự ý san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ trên tuyến đường Hồ Chí Minh làm khu vực kinh doanh, buôn bán và mở đường nhánh đấu nối trái phép; trong đó, huyện Đăk Glei có 6 địa điểm vi phạm, huyện Đăk Hà 3 vị trí và huyện Ngọc Hồi 1 vị trí.
Cũng theo Khu quản lý Đường bộ III, ngoài việc người dân tự ý lấn chiếm hoặc tự ý cải tạo khu vực hành lang an toàn của đường bộ, cơ quan này còn phát hiện một đơn vị thuộc cơ quan hành chính Nhà nước vi phạm. Cụ thể: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Tô tự ý mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường Hồ Chí Minh tại Km 1506+250 (phải tuyến).
Khu quản lý Đường bộ III đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan xử lý triệt để các vi phạm và hoàn trả nguyên trạng ban đầu của hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí trên.
Đơn vị quản lý đường Hồ Chí Minh này cho rằng việc tổ chức Nhà nước, người dân tự ý lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây mất ATGT. Trường hợp thực hiện dự án thì phải thực hiện thủ tục hành chính để được cấp phép theo quy định.
Liên quan đến việc vi phạm hành lang đường bộ, trên các tuyến đường tỉnh và Quốc lộ Trung ương ủy thác Sở GTVT tỉnh Kon Tum quản lý đã phát hiện 4.829 trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Trong đó, trước thời điểm năm 2013 phát hiện 2.848 trường hợp, số còn lại phát hiện sau năm 2013.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng của tỉnh này đã tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ 2.421 trường hợp (50,1%); riêng năm 2022 tháo dỡ 607 trường hợp. Hiện nay, còn tồn tại 2.408 trường hợp (49,9%) vi phạm; Trên tuyến đường Hồ Chí Minh và Đông Trường Sơn qua địa bàn tỉnh Kon Tum cũng đã phát sinh 610 trường hợp vi phạm, chưa tháo dỡ trường hợp nào.
Cổng chào TP Kon Tum xây dựng trái phép trên đường Hồ Chí Minh năm 2021
Sẽ cưỡng chế vi phạm
Yêu cầu của kế hoạch là kiên quyết xử lý triệt để bằng các biện pháp như tuyên truyền, vận động tháo dỡ, cưỡng chế tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, không để phát sinh mới các trường hợp vi phạm kể từ năm 2023; hoàn thành việc cắm mốc lộ giới bổ sung các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để bàn giao cho các đơn vị, địa phương quản lý phục vụ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.
Liên quan đến việc xử lý, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (trực tiếp là ủy ban nhân dân cấp xã) chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ VN) và các đơn vị liên quan tập trung triển khai giải tỏa triệt để các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ từ năm 2013 đến nay. Thời gian thực hiện từ ngày 1/6 - 31/8/2023.
Riêng đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ trước năm 2013, thời gian lập biên bản vi phạm hành chính và triển khai cưỡng chế, giải tỏa sẽ được thực hiện từ 1/6 - 31/12/2023.
Đối với Sở GTVT tỉnh Kon Tum, Khu Quản lý đường bộ III thực hiện kiểm tra, rà soát mốc lộ giới để xác định, lập dự toán kinh phí cắm mốc lộ giới bổ sung trình Cục Đường bộ VN (đối với quốc lộ), UBND tỉnh (đối với đường tỉnh).
Đồng thời, bố trí lực lượng thanh tra giao thông; lực lượng, phương tiện, thiết bị, xe máy của các đơn vị quản lý đường phối hợp chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế, giải tỏa công trình vi phạm khi có đề nghị của UBND cấp huyện, xã.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận