YouTube còn nhiều kẽ hở về bản quyền nên các nghệ sĩ hay chủ sở hữu bản quyền cần tự bảo vệ chính mình _ Ảnh Korea Times.jpg
Hàng loạt bài hát của những nghệ sĩ Kpop bị một số công ty âm nhạc Trung Quốc đăng ký bản quyền trên YouTube trở thành vấn đề đáng chú ý liên quan tới bản quyền âm nhạc.
Cụ thể, nhiều ca khúc Kpop như “Waiting” (Younha), “Morning Tears” (IU), “Already One Year” (Brown Eyes Girls), “From me to you” (Davichi), “Blue Swallow OST” (Lee Seung Chul)… đã bị một số công ty Trung Quốc như Believe Music, EWway Music, Enjoy Music, The Orchard Music… tuyên bố sở hữu bản quyền.
Tờ Korea Times đưa ra những minh chứng từ phần mô tả nội dung trên YouTube. Đơn cử, bài “Morning Tears” của IU được chú thích là bài hát của Qingchun Jilu Ce, do Huang Yiyun và Chen Yajie trình bày, nằm trong album Qingchun Jilu Ce.
Phần cấp phép mô tả ca khúc được cấp phép cho YouTube bởi Believe Music và hai hiệp hội quyền âm nhạc khác. Trong khi đó, bản gốc của ca khúc này thuộc quyền sở hữu từ công ty quản lý của IU tại Hàn Quốc.
Nguyên nhân được giới chuyên môn cho là do những kẽ hở về bản quyền của YouTube. Các ca khúc trên được ra mắt từ những năm 2010, trước khi YouTube trở thành một nền tảng phổ biến cho âm nhạc. Thời điểm đó, nền tảng này chưa yêu cầu sát sao về bản quyền nên nhiều bài hát được đăng tải mà chủ sở hữu không đăng ký bản quyền trên YouTube.
Cùng đó, một kẽ hở khác là quá trình chuyển nhượng quyền liên quan giữa các công ty âm nhạc. Ca khúc “Good Person” (Toy) được chuyển từ The Groove Entertainment sang KakaoM vào năm 2014, hay quyền liên quan của “From Me to You” (Davichi) đã hết hạn.
Trong quá trình chuyển giao quyền liên quan, phần đăng ký các bài hát trên YouTube có lúc bị bỏ trống để thay đổi thông tin. Lợi dụng điều này, các công ty Trung Quốc nhanh chóng “nhảy” vào đăng ký trót lọt.
Ca sĩ IU
Một phần mô tả ca khúc của IU bỗng có chủ sở hữu bản quyền mới bất hợp pháp (ảnh TL)
Hiện tại, YouTube đang là “sân chơi” quốc tế nên những lỗ hổng trong vấn đề bản quyền không phải vấn đề nhỏ. Theo The Korea Herald, đại diện của Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc nhận định, nếu YouTube không sửa đổi hệ thống, để điều này còn tiếp diễn sẽ có khả năng gây thiệt hại liên tục cho ngành công nghiệp âm nhạc trong tương lai.
Hiện tại, YouTube đang vận hành một hệ thống quản lý bản quyền tự động là Content ID. Hệ thống này tự động xác định nội dung thuộc sở hữu của chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. Content ID giúp chủ sở hữu bản quyền xác nhận quyền sở hữu bằng cách tự động tìm bài hát gốc hoặc video gốc được sử dụng trong clip trên YouTube.
Do đó, cách để xử lý khi bị xâm phạm bản quyền là gửi trực tiếp khiếu nại bản quyền lên YouTube. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hàn Quốc cũng khẳng định, ngoài biện pháp kêu gọi sự hợp tác từ YouTube, chính chủ sở hữu bản quyền các sản phẩm âm nhạc cũng phải tích cực thực hiện quyền của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận