Xã hội

KTNN muốn mở rộng đối tượng kiểm toán, được quyền xử phạt hành chính

11/03/2019, 16:34

Kiểm toán Nhà nước muốn được bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đồng thời mở rộng đối tượng trong diện kiểm toán.

img
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo làm rõ một số vấn đề tại phiên họp thứ 32 của Uỷ ban TVQH

Ngày 11/3, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Dự thảo luật lần này bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc nội dung này vì theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước ở lĩnh vực nào thì có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực đó, trong khi Kiểm toán không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Ông Hải cũng cho hay, bên cạnh đó có ý kiến đề nghị nếu bổ sung quy định này, cần rà soát để sửa các điều, khoản liên quan của Luật xử lý vi phạm hành chính đồng thời, xác định rõ các trường hợp, đối tượng, hành vi bị xử phạt để bảo đảm tính hp hiến, hp pháp, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đối tượng chịu sự kiểm toán là các công chức công vụ, nếu vi phạm quy định liên quan kiểm toán, kế toán thì phải xử lý trách nhiệm bằng kỷ luật.

“Một hành vi vi phạm chỉ chịu một loại hình pháp lý, bị xử lý kỷ luật rồi thì tại sao lại chịu xử lý hành chính? Tòa xử phạt hành chính không phải là đối tượng công chức, viên chức. Vi phạm xử lý kỷ luật, nghiêm trọng hơn thì truy cứu trách nhiệm hình sự cho nên không xử phạt hành chính” – ông Lưu nêu quan điểm.

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyn Thị Kim Ngân cũng nhận định việc giao kiểm toán xử phạt hành chính chưa thực sự phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, với tư cách là một ĐBQH, bà cũng không đồng tình đề xuất này, bởi hiện Chính phủ chưa có ý kiến và ý kiến của một số bộ cũng như trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu và có giải trình thuyết phục.

Báo cáo thêm về nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, quy định này nếu được bổ sung chỉ áp dụng xử phạt với hành vi chống đối nộp hồ sơ của cơ quan ngoài nhà nước chứ không phải đối với đối tượng cán bộ công chức. Vì thực tế kiểm toán có đơn vị liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công mà có hành vi chống đối thì cần công cụ xử lý bên cạnh việc kiến nghị chính quyền, thanh tra xử lý.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán. Theo đó, người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công... sẽ nằm trong diện được kiểm toán.

Nhưng cơ quan thẩm tra cho rằng không nên mở rộng vì nếu mở rộng sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán. "Việc mở rộng này sẽ làm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, hiện nay, hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó đảm bảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không đồng tình việc bổ sung thêm đối tượng kiểm toán là người nộp thuế, do đây là đối tượng chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của cơ quan thuế. Theo bà Ngân, nếu mở rộng sẽ khiến phát sinh nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Nhà nước với người dân, hộ kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.