Một thí sinh trình bày phần thi trong chương trình “Thần tượng bolero”. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
Nhiều ý kiến cho rằng chương trình Thần tượng bolero đang khiến mọi người hiểu sai khái niệm về bolero.
Quy tân nhạc, nhạc trữ tình, tiền chiến vào bolero
Thần tượng bolero, chương trình truyền hình đang phát sóng trên VTV3 là một trong những chương trình thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả, không chỉ bởi những gương mặt giám khảo nổi tiếng như Quang Linh, Quang Dũng, Đan Trường, Cẩm Ly mà còn vì đây là sân chơi dành cho những bạn trẻ yêu thích bolero, dòng nhạc đang được ưa chuộng nhất nhì hiện nay.
Tuy nhiên, trải qua 4 tập phát sóng, nhiều người tinh ý nhận ra nhiều ca khúc được sử dụng trong chương trình không phải những ca khúc có nhạc điệu tiết tấu bolero, mà chương trình này bao gồm cả tân nhạc, dân ca, nhạc tiền chiến và nhạc trữ tình.
Ca sĩ Tuấn Hiệp cho rằng, chương trình đang quy tân nhạc và nhạc trữ tình thành bolero. Anh nói: “Các chương trình về bolero, chỉ có chương trình Solo cùng bolero là làm tốt nhất. Họ làm đúng thời điểm, đúng nơi, đúng cách và tập trung làm chuẩn về bolero. Còn chương trình Thần tượng bolero đang gom cả tân nhạc và nhạc trữ tình vào bolero. Chẳng hạn như Anh còn nợ em là tình ca chứ không phải bolero, Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại càng không phải”.
Theo ca sĩ Tuấn Hiệp, định nghĩa về bolero chưa rõ ràng nên nhiều người hay nghĩ tân nhạc và trữ tình, những loại nhạc viết trong thời kỳ đó đều là bolero, rằng nếu nghĩ như nhiều người bây giờ thì nhạc Phú Quang cũng có thể quy về bolero được. Nam ca sĩ cho rằng, những người làm chương trình này đang cố tình để làm khác đi so với chương trình Solo cùng bolero chứ không phải không hiểu biết, nhất là với một chương trình của một đài lớn, được đầu tư mạnh và dàn giám khảo cũng là những người rất hiểu biết về nhạc bolero.
“Chỉ buồn một nỗi là khi đài Vĩnh Long đã làm thành công về bolero rồi thì Thần tượng bolero nếu muốn làm khác nên có một cái tên khác chứ đừng lấy tên bolero nữa, vì đây là chương trình lớn, là kênh truyền thông định hướng người nghe, mà đã định hướng thì phải chuẩn xác, nếu không sẽ làm sai lệch suy nghĩ của mọi người về bolero”, Tuấn Hiệp chia sẻ.
Anh Mạnh Tuấn, giảng viên thanh nhạc tại Cung VHHN Việt Xô cũng cho rằng, chương trình có rất nhiều bài không theo điệu bolero mà là theo slow rock, ballad,... như Diễm xưa, Mười năm tình cũ,…
“Tôi hiểu chương trình muốn gợi lại những bài hát từng gây tiếng vang khoảng thời gian trước những năm 1975 mà đến bây giờ mọi người hay hoài niệm về nó. Do đó, về tư tưởng của chương trình, tôi không phản đối. Nhưng vấn đề là chương trình quy tất cả các dòng nhạc khác nhau vào bolero thì không đúng lắm theo khái niệm âm nhạc và sẽ làm nhiều người hiểu sai về bản chất của bolero”, Mạnh Tuấn khẳng định.
Không chỉ những nghệ sĩ am hiểu về bolero, những khán giả hiểu biết về dòng nhạc này cũng đồng quan điểm. Khán giả Diễm Phương (TP.HCM) tỏ ra bức xúc khi chương trình đang làm sai khái niệm về nhạc bolero. điều này có thể khiến những khán giả chưa hiểu nhiều về loại nhạc này cũng như nhiều ca sĩ trẻ đang muốn theo đuổi bolero hiểu sai khái niệm về bolero.
Diễm Phương bày tỏ: “Nhà đài hay công ty truyền thông nếu không có kiến thức âm nhạc nhiều thì bày đặt thi bolero làm gì, làm cho những thí sinh hay ca sĩ không có kiến thức âm nhạc ngày càng hiểu sai, lệch lạc về thể loại này”.
Bolero là tiết tấu âm nhạc
Để rõ hơn về những nhận định trên, phóng viên Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS.NSND Trung Kiên và “Ông hoàng Bolero” - nhạc sĩ Vinh Sử. Sau khi xem xong hai tiết mục của chương trình là Diễm xưa và Điệu ví dặm là em, NSND Trung Kiên cho hay: hai tiết mục này không phải đánh theo bolero. Cùng đó, ông khẳng định: bolero chỉ là tiết tấu âm nhạc.
NSND Trung Kiên nói thêm: “Những chương trình ca nhạc nghiệp dư và không chuyên nghiệp mà chỉ mang tính giải trí thế này thì tốt nhất đừng nên phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, chỉ nên đưa lên những kênh giải trí thôi”.
Trong khi đó, là nhạc sĩ có nhiều kinh nghiệm về nhạc bolero, nhạc sĩ Vinh Sử nhận xét: “Bài dân ca Điệu ví dặm là em trong chương trình là đánh điệu slow chứ có phải bolero đâu. Lời ca da diết, ca kéo dài, bolero đâu có thể kéo dài như vậy được. Cả bài Anh còn nợ em là đánh điệu slow rock chứ đâu phải bolero, hay bài Mười năm tình cũ cũng vậy”.
Nhạc sĩ Vinh Sử cho biết, bolero là một điệu nhạc bắt nguồn từ Tây Ban Nha, có tiết tấu chậm, theo nhịp 2/4 hoặc 4/4. Bolero có thể đệm cho các bài hát nhạc dân ca, trữ tình, vọng cổ đều được. Quan trọng là ở cách phối âm. Những ca khúc, dòng nhạc không viết theo bolero mà đánh điệu bolero cũng thành bài hát bolero cả. Tuy nhiên, không phải bài nào cũng đánh được theo điệu bolero mà chỉ những bài viết theo nhịp 4/4 mới đánh được.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin rõ hơn về vấn đề này tới độc giả trong số báo sau.
Trả lại tên cho nhạc bolero Bolero vào Việt Nam thời kỳ đầu những năm 50 của thế kỷ trước khi tân nhạc đang phát triển mạnh mẽ. Những năm 60 sau đó là đỉnh cao của bolero tại Việt Nam với phong trào “Thời trang nhạc tuyển”.Một vài năm gần đây, bolero bắt đầu nhộn nhịp lại bằng các chương trình âm nhạc có bán vé, các kênh truyền hình ra sức khai thác bằng những gameshow, cuộc thi, ca sĩ trẻ nhiều dòng nhạc cũng đi hát bolero… thế nhưng, bolero không được hiểu đúng nghĩa, đúng giá trị. thay vào đó là sự trộn lẫn, pha tạp đến dễ dãi của các nhà sản xuất hay của giám đốc âm nhạc các chương trình. Từ số báo này, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về dòng nhạc bolero, Báo Giao thông khởi đăng loạt bài “trả lại tên cho nhạc bolero”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận