Bến xe Nước ngầm hiện đại và sạch đẹp nhưng thưa thớt khách |
Thu phí đúng quy định, không thu thêm bất cứ khoản nào như một số bến xe khác, thậm chí dành rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) vận tải song chưa khi nào Bến xe Nước Ngầm đạt được một nửa công suất.
Tại cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho Bến xe Nước Ngầm do Sở GTVT Hà Nội tổ chức ngày 19/3, một số ý kiến cho rằng, việc Bến xe Nước Ngầm ít xe vào không phải do cơ quan quản lý Nhà nước mà là do bến Nước Ngầm thu phí các tuyến xe quá cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, bến xe này thu mọi loại phí hoàn toàn đúng với quy định, thậm chí còn rẻ hơn so với các bến xe khác.
Phí rẻ, ưu đãi lớn cho nhà xe
Ông Lập cho biết, phí của bến xe có hai loại: Dịch vụ xe vào bến và dịch vụ hỗ trợ vận tải. Hai loại phí này đều được thu dựa trên quy định mà Văn bản 152 của liên Bộ Tài chính - Bộ GTVT ban hành và Văn bản 3270 do UBND TP Hà Nội ban hành. Ngoài ra, Bến xe Nước Ngầm không thu thêm bất cứ khoản phí nào khác của các DN vận tải. Thậm chí, Bến xe Nước Ngầm còn nhiều lần tạo điều kiện giảm giá phí cho các DN.
Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Lập cho biết, đối với Công ty CP VT DL Hà Sơn có xe chạy tuyến Nước Ngầm - Lào Cai, giá dịch vụ ra vào bến trong hợp đồng đã ký giữa DN và bến xe là 254 nghìn đồng, nhưng thực tế, trong 3 tháng từ tháng 11/2014 - 1/2015, Bến xe Nước Ngầm đã hỗ trợ DN và chỉ thu mức 100 nghìn đồng/ lần xuất bến. Với HTX Vĩnh Lộc có xe chạy tuyến Nước Ngầm - Chiêm Hóa (Tuyên Quang), mức phí dịch vụ xe ra vào bến theo quy định là 184 nghìn đồng, nhưng mức thu hiện nay chỉ là 100 nghìn đồng.
Trong khi đó, qua khảo sát của PV Báo Giao thông tại Bến xe Mỹ Đình, dù mức phí mà bến xe này thu thấp hơn hoặc bằng giá quy định, nhưng lại có rất nhiều khoản phí khác mà nhà xe phải chịu, tổng cộng lại cao hơn cả giá thu của một bến xe xã hội hóa do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư.
Một số DN có xe chạy lâu năm ở Bến xe Mỹ Đình còn cho biết, tại đây, nếu tuyến đường càng dài thì giá “bồi dưỡng” càng cao. Cụ thể, đối với chạy tuyến Mỹ Đình - Tuyên Quang loại 29 chỗ, tiền dịch vụ ra vào bến Nhà nước quy định (phơi lệnh) là 79 nghìn đồng, nhưng để xe ô tô ra khỏi bến thì nhà xe phải mất thêm rất nhiều loại tiền không nằm trong quy định.
Tương tự, tuyến xe chạy Mỹ Đình - Lào Cai giá Nhà nước quy định mức thu 111 nghìn đồng đối với ô tô khách loại 47 chỗ, nhưng thực tế khi xe xuất bến lại mất tới gần 300 nghìn đồng. Cụ thể, chi thêm công bán vé 10 nghìn đồng, gọi loa 10 nghìn đồng, kiểm soát 30 nghìn đồng, điều độ 30 nghìn đồng, ra cổng 20 nghìn đồng…
Trong khi bến xe Mỹ Đình luôn quá tải trầm trọng thì không hiểu vì sao những ngườicó trách nhiệm lại không ngó ngàng tới bến xe Nước Ngầm |
Một số nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình còn tiết lộ thêm rằng, giá đó chỉ là áp dụng trong ngày thường, còn những ngày nghỉ lễ, Tết thì nhà xe còn bị “vòi vĩnh” lên gấp 2- 3 lần. Tuy nhiên, khi trả lời PV về việc Bến xe Mỹ Đình thu thêm nhiều khoản tiền không có trong danh mục, ông Nguyễn Phi Thanh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe Phía Tây (Bến xe Mỹ Đình) phủ nhận chuyện này và cho biết, sẽ kỷ luật nghiêm khắc nếu phát hiện sai phạm.
Phải tạo điều kiện cho bến xe tư nhân
Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, Bến xe Nước Ngầm là bến xe xã hội hóa đầu tiên của Hà Nội nên rất đáng được hoan nghênh, hơn nữa, chất lượng dịch vụ và phục vụ hành khách ở Bến xe Nước Ngầm cao hơn hẳn các bến xe của Nhà nước. “Bến xe thường được biết đến là nơi phức tạp nhất với lưu manh, trộm cắp, cò mồi…Nhưng ở Bến xe Nước Ngầm, hoàn toàn không tồn tại những điều đó. Với hệ thống camera gắn xung quanh bến xe, cùng sự phối hợp chặt chẽ với công an phường sở tại, Bến xe Nước Ngầm luôn được đánh giá là bến xe đảm bảo ANTT tốt. Đặc biệt, an ninh trong bến đảm bảo tối đa vì nếu khách vãng lai, phụ và lái xe không có thẻ hoặc hành khách không có vé thì sẽ không được lảng vảng vào trong bến. Bến xe Nước Ngầm giải quyết gần như triệt để tình trạng xe dù, bến cóc. Điều này cả Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình bao nhiêu năm nay đều chưa làm được”.
Về giá dịch vụ tại bến xe, theo ông Liên, đối với bến xe xã hội hóa, giá cả được hình thành từ chất lượng dịch vụ, được UBND TP phê duyệt và được thỏa thuận giữa DN và bến xe.
“Trước khi ký hợp đồng cho xe vào bến đều có điều khoản về việc này, nếu DN không đồng ý thì sẽ có ý kiến, tuy nhiên, theo tôi biết thì không có DN nào có ý kiến về vấn đề giá vé, giá dịch vụ ở Bến xe Nước Ngầm. Các bến xe Nhà nước được đầu tư hoàn toàn về chi phí, hạ tầng, đất đai… Ví dụ như Bến xe Mỹ Đình khi mở rộng được đầu tư hơn 70 tỷ đồng, còn Bến xe Nước Ngầm mở rộng có được xu nào đâu, họ phải tự bỏ ra hết. Ở một số bến xe khác của Nhà nước, tôi nghĩ các loại phí “tiêu cực” cộng lại chắc chắn còn cao hơn nhiều”, ông Liên nhận xét và cho rằng, đối với các bến xe xã hội hóa như bến Nước Ngầm, các DN cũng như cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện, có cơ chế khuyến khích để giảm bớt khó khăn cho bến xe.
Điều tiết phù hợp với năng lực của bến xe Theo ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chủ trương quy hoạch các tuyến vận tải trên địa bàn Hà Nội đã được quán triệt từ cách đây 5-7 năm. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội, mà chủ yếu là Sở GTVT Hà Nội chưa thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố nên hiện nay trên địa bàn thành phố “loạn”, lộn xộn, công suất sử dụng bến không đồng đều. Cụ thể, Bến Yên Nghĩa sử dụng 30% công suất; bến Nước Ngầm sử dụng 50% công suất. Trong khi đó, Bến xe Mỹ Đình lại quá đông phương tiện dẫn đến quá tải. “Để đảm bảo chống ùn tắc giao thông trong nội đô thì quan trọng phải có vai trò của Nhà nước, phải điều tiết hài hòa giữa các DN theo quy định của pháp luật. Tất nhiên là DN có quyền được chọn tuyến, chọn bến nhưng Nhà nước phải điều tiết sao cho phù hợp với năng lực của từng bến”, ông Thanh nhấn mạnh. |
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận