Bà Lê Thị Thông chăm đứa con bị di chứng TNGT 16 năm qua như một đứa trẻ |
Khánh kiệt vì TNGT
“Mẹ về rồi Sơn ơi! Có nhớ mẹ không?”, bà Thông vừa nói vừa tất tưởi chạy vào nhà sau khi dựa vội chiếc xe đạp bên cửa. “Sơn ngoan quá, không tè bậy trên nệm nè. Để mẹ cho Sơn uống nước ha. Ngoan quá! Nắm chặt tay mẹ kẻo mẹ đi nhé!...”. Lúc đầu nghe cứ tưởng bà Thông nựng một đứa trẻ lên hai, lên ba. Nhưng không, bà đang nói chuyện với anh con trai Trương Văn Sơn, đã 40 tuổi nằm liệt giường 16 năm nay.
Chúng tôi đến căn nhà ở hẻm 151/37 lúc 10h sáng thì nhà đóng cửa im ỉm. Qua cửa sổ vẫn thấy có người đang nằm ở trong nhà nhưng gọi mãi cũng không thấy trả lời. Chị Nguyễn Tuyết Hoa, nhà ở đối diện cho chúng tôi biết, từ ngày bị TNGT chấn thương sọ não, anh Sơn thường hay bị lên cơn. Lúc đầu người dân trong khu phố rất ái ngại cho hai mẹ con, nhưng riết rồi cũng quen. “Tội nghiệp cảnh mẹ già phải chăm con bạo bệnh. Mỗi lần thấy Sơn lên cơn, hàng xóm ai cũng xót xa nhưng chẳng biết làm cách nào giúp được”, chị Hoa tâm sự.
Phải đợi đến 10h30, bà Lê Thị Thông mới đi làm về. Theo chân bà Thông vào nhà, nhưng tất cả chúng tôi đều lúng túng vì chẳng biết đứng, ngồi vào đâu. Căn nhà rộng chỉ chừng 6m2, nhưng cái giường nơi anh Sơn nằm đã chiếm hết gần một nửa.
Khoe với chúng tôi về việc mới xin được việc làm lau dọn nhà cửa cho một gia đình, bà Thông kể: “Công việc bắt đầu từ 5h sáng nên từ 4h tôi đã phải dậy nấu nướng cho Sơn ăn. Chén cơm nguội với nước canh nhạt, tôi tranh thủ đút cho nó được muỗng nào hay muỗng đó rồi vội vã đạp xe đi. Có bữa về muộn, nó đói khát quá cứ đập đầu vào tường, đập tay vào thành giường. Về nhà thấy con bê bết máu mà tui đứt cả ruột gan”.
Từ đó, lúc nào bà Thông cũng để một chiếc gối ôm ở phía trên, nhỡ anh Sơn có lên cơn mà đập đầu vào tường cũng nhẹ bớt. Chiếc thanh giường sắt cũng được quấn lại bằng cái mền cũ. Để anh Sơn không tiểu tiện ra giường, bà Thông “thiết kế” một cái bịch ni lông quấn quanh rồi nối với ống dẫn xuống một cái lọ ở dưới gầm giường. Còn đại tiện thì đành chấp nhận để anh đi ra giữa giường rồi về lau dọn.
“Chỉ lúc nào đi đâu thì tôi mới đeo bỉm chú ơi. Chứ một ngày đeo vài cái cũng mất mấy chục nghìn, mẹ con tui còn tiền đâu mà cơm cháo”, bà Thông lau nước mắt.
Căn nhà trước đây của gia đình bên chồng để lại cho ông bà cũng rộng rãi. Nhưng từ khi anh Sơn bị bệnh, để có tiền chạy chữa bà cứ phải bán dần, bán mòn, giờ chỉ còn 6 m2. Đồ đạc gì có giá trị cũng đội nón ra đi hết. Chồng của bà Thông thấy cảnh con trai vậy cũng buồn rầu, đau đớn rồi mất cách đây hai năm.
Từ võ sĩ thành người tàn phế
Cứ mỗi lần nhắc đến câu chuyện cách đây 16 năm là nước mắt bà Thông lại tuôn trào. Đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh anh Sơn cùng các bạn ở võ đường, bà Thông kể: “Từ nhỏ bác đã cho Sơn đi học Taekwondo. Năm 16 tuổi, Sơn bắt đầu đi dạy ở các trung tâm võ của quận. Năm 24 tuổi, đang làm việc tại võ đường Hàn - Việt (do Hàn Quốc và Việt Nam phối hợp thành lập), cái tuổi thanh niên tràn trề sức xuân với một sự nghiệp rộng mở, nhưng vụ TNGT đêm hôm ấy khiến Sơn trở thành người tàn phế mãi mãi”.
"Không bệnh tật gì thì cực mấy tui cũng nuôi được con. Chỉ sợ hôm nào nó đi đột ngột thì tui cũng không biết xoay đâu mà lo hậu sự”. Bà Thông nói với hai dòng nước mắt giàn giụa |
Gạt dòng nước mắt, bà Thông kể tiếp, dạo ấy đang trong giai đoạn huấn luyện căng thẳng chuẩn bị cho một giải đấu quốc gia nên Sơn phải làm việc cật lực. Khi hết giờ làm việc cũng đã hơn 20h tối. Một người bạn chở Sơn về trên chiếc xe gắn máy. “Đang đi trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), chỉ cách nhà khoảng 2 km, bất ngờ một xe máy lao từ trong hẻm ra đâm sầm vào xe chở Sơn. Thằng Sơn ngã xuống, đầu đập vào lề đường bị chấn thương sọ não. Hồi đó chưa có quy định đội MBH. Phải chi có cái mũ, sự thể chưa chắc đã như thế này”, bà Thông ngậm ngùi.
Lúc đó, Sơn bị thương nhưng không hề chảy tí máu nào. Người đi đường thấy vậy đưa vào bệnh viện Phường 9, quận 5. Khi mới tới viện, bà Thông cứ tưởng con mình cũng chỉ qua quýt. Nhưng không ngờ sau nhiều lần mổ cũng không lấy hết được vết máu bầm trong não. Anh Sơn nằm ròng rã cả năm trời ở Bệnh viện Chợ Rẫy khiến gia đình bà khánh kiệt.
Hết Tây y rồi sang Đông y. Một mình bà cõng Sơn từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện quận 5, rồi sang Trung tâm trị liệu Quận 8. Nhưng tình trạng của anh Sơn ngày càng xấu đi. Trước đây, Sơn còn ngồi dậy, tập đi được. Năm ngoái khi chúng tôi đến anh Sơn còn í ới được vài từ nhưng giờ mắt ngày càng mờ, chân yếu. Cả ngày nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều nhờ cậy người mẹ già yếu.
Nước mắt mẹ già
“Buồn quá chú ơi. Có mỗi thằng con, hết tiền hết bạc mà con cũng không hết bệnh”, bà Thông khóc lớn. Mỗi lần có mấy người bạn của anh Sơn ghé lại thăm là một lần như xát muối vào tim người mẹ già. Nhìn những người bạn cũ của con mình đã có vợ con, công việc thành đạt bà Thông lại khóc. Cảnh mẹ già nuôi đứa con tàn phế mười mấy năm trời khiến bà con khu phố ai cũng xót thương. Có người buột miệng nói: “Sao không để anh ra đi cho thanh thản?” Bà chỉ biết nhìn con mà rơi nước mắt!
“Có bao giờ cô thấy đuối sức không?”, tôi hỏi. “Đuối lắm chú ơi. Mười sáu năm trời chứ đâu một hai ngày gì. Nhưng con mình đứt ruột đẻ ra bỏ sao được. Con gà, con vịt mình nuôi mà chưa chết mình cũng chưa đem chôn. Thôi thì số trời, mình còn sống ngày nào thì cũng cố thêm ngày đó”.
Anh Lâm Quốc Quân, Trưởng khu phố 4 cho biết, trước hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con bà Thông, UBND Phường 2, quận 5 cũng có trợ cấp 200 đồng/tháng. Mỗi lần có các nhà hảo tâm đến ủng hộ từ thiện cũng đều ưu tiên gia đình bà. “Ngặt nỗi bệnh tình của anh Sơn ngày thêm nặng, thuốc thang điều trị ngày một tốn kém. Bà Thông tuổi cũng đã cao nên không làm thêm gì được nhiều. Số tiền trợ cấp ít ỏi đó cũng không thấm vào đâu”, anh Quân nói.
Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận