Hạ tầng

Kỳ 3: Tự nguyện hiến đất, không nhận đền bù

11/09/2014, 11:47

Có gần 9.000 hộ dân bị vướng GPMB, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã giải quyết xong mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Ông Mai Văn Chiến cho biết, phần đất của ông trước kia ra đến giữa QL1
Ông Mai Văn Chiến cho biết, phần đất của ông trước kia ra đến giữa QL1


“Mình mà tiên phong, bà con mới làm theo”


Ông Mai Văn Chiến ở thôn 3, xã Tân Phúc (Hàm Tân, Bình Thuận) thỉnh thoảng lại “khoe” với bạn bè về tấm bằng khen được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng hồi tháng 6/2014 do ông là người tiên phong hiến đất mở rộng QL1. Ông Chiến kể, hai vợ chồng ông từ Đà Nẵng vào đây định cư từ năm 1985. Cuộc sống cơ cực, tích góp lắm vợ chồng ông mới mua được miếng đất có bề ngang 50 m bên QL1 để làm ăn. Mấy lần trước mở rộng QL1 gia đình ông đã bị cắt đi một phần đất, Nhà nước cũng chưa hỗ trợ gì. Lần này để chỉnh lại hướng tuyến nhằm giảm TNGT, Dự án mở rộng QL1 cũng lấn vào phần đất của ông chừng 3 m, tổng diện tích là 289 m2.


“Tính theo giá thị trường cũng cả trăm triệu chứ đâu ít. Nhưng khi cán bộ huyện về vận động, tôi đồng ý hiến đất ngay. Vợ con cũng có ý kiến này khác, nhưng sau đều thống nhất là không nhận tiền bồi thường. Mình mà tiên phong thì bà con mới làm theo. Nhà nước lấy ít chứ lấy nhiều đất hơn nữa tui cũng hiến chứ chả cần bồi thường”, ông Chiến nói.
 

"Làm công tác GPMB phải tâm huyết với công việc này. Nếu dân có tâm tư, thắc mắc khiếu nại gì không được làm ngơ mà phải giải thích cặn kẽ để dân hiểu. Chỉ một vấn đề nhỏ mà không được giải thích thỏa đáng, nhiều người sẽ cùng thắc mắc, hoài nghi. Khi cả một khu phố, một thị trấn, xã không được giải thích thỏa đáng, không còn là chuyện nhỏ nữa. Dân không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng”.

 

Ông Tống Mỹ Cường

Phó Giám đốc Sở TN&MT Ninh Thuận

Vốn là người có uy tín trong xã, nên việc làm có ý nghĩa của ông Chiến đã lay động bà con xung quanh. Bởi thế, chỉ mấy ngày sau đó, 33 hộ dân xã Tân Phúc đều đăng ký hiến đất mà không nhận tiền bồi thường. 6 hộ còn lại cũng hiến đất nhưng xin hỗ trợ phần tài sản trên đất.

Nhà nằm ngay khúc cua “tử thần” nên hàng đêm vợ chồng ông Nguyễn Phước Thọ, thôn 3, xã Tân Phúc đều nghe tiếng phanh kêu ken két của những chiếc xe cua gấp. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở đây. Vì vậy, khi nghe Nhà nước có chủ trương mở rộng đường, ông Thọ cũng xung phong hiến đất và vận động bà con trong xóm làm theo. “Đường mở rộng, tai nạn sẽ giảm. Hưởng lợi trước hết là dân mình ở đây chứ ai đâu xa. Mình không làm gì lớn lao được thì góp một phần đất để mở rộng QL1, cũng là xây dựng đất nước vậy”, ông Thọ cười nói.


Dự án mở rộng QL1 đi qua Bình Thuận có chiều dài 170 km, tổng cộng có 7.681 hộ bị giải tỏa. Ở huyện Hàm Tân có 80 hộ bị ảnh hưởng thì có tới 63 hộ tự nguyện hiến đất. Ông Trần Phước Hạnh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Hàm Tân cho biết, khi có chủ trương đưa về, huyện đã cử cán bộ xuống vận động dân. Khi nghe cán bộ huyện phân tích những lợi ích của việc mở rộng QL1 để giảm TNGT và phát triển kinh tế, nhiều hộ dân đồng tình hiến đất ngay. 


“Số tiền bồi thường ước tính khoảng trên 500 triệu đồng. So với kinh phí  của cả dự án QL1 là không lớn, nhưng bớt được phần nào cho ngân sách trong giai đoạn khó khăn hiện nay là rất quý”, ông Hạnh nói.

Dám “đốt cháy giai đoạn” đền bù

Từ đầu năm đến nay, hình ảnh một cán bộ tóc bạc, dáng người nhanh nhẹn, hay cười nói vui vẻ đã trở nên quen thuộc với người dân huyện Ninh Phước và Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. 


Đó là ông Tống Mỹ Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Thuận, người thường được dân gọi là ông “Cường đầu bạc”. Có dịp trực tiếp cùng ông Cường đến nói chuyện với người dân thị trấn Phước Dân, chúng tôi hiểu vì sao chỉ trong vòng hai tháng mà trên 90% người dân Ninh Thuận đã bàn giao hết mặt bằng. Tính thẳng, cách nói chuyện thuyết phục, giải thích rõ ràng, có lý có tình của ông Cường khiến người dân rất hài lòng.

Theo ông Cường, người làm công tác GPMB đòi hỏi phải công tâm, mềm dẻo nhưng quyết đoán, dám làm, dám chịu. Một cách làm sáng tạo của Ninh Thuận là không chờ đến khi ban hành quyết định thu hồi đất mới trả tiền cho dân. Ngay khi niêm yết bảng áp giá bồi thường, hỗ trợ được gửi đến từng hộ. Nếu hộ nào đồng ý với giá bồi thường đó và ký vào cam kết bàn giao mặt bằng, sẽ được tạm ứng trước 80% giá trị được bồi thường. “Theo quy định, niêm yết sau 20 ngày mới chi tiền bồi thường, nhưng đâu cần vậy, mình có thể “đốt cháy” giai đoạn luôn. Dân đồng thuận thì mình chi trả ngay để sớm có mặt bằng”, ông Cường nói.

Để thực hiện tốt và đúng công tác GPMB, trước hết công tác chuẩn bị mọi mặt về thủ tục thu hồi, bồi thường phải đúng trình tự thủ tục. Từ công tác đo đạc quy chủ ban đầu cho đến kiểm kê tài sản, hoa màu, vật kiến trúc trên đất… phải nhanh chóng, kịp thời nhưng chính xác. Quy định nào chưa phù hợp phải tham mưu lãnh đạo tỉnh để sửa đổi ngay. Chẳng hạn cuối năm 2013 giá đất ở chỉ 850 nghìn đồng/m2, nhưng khi thực hiện thu hồi năm 2014 giá đất đã tăng lên nhiều, phải đề nghị hỗ trợ thêm cho người dân. Hay những hộ trước đây tự nguyện di dời hạ tầng để đảm bảo hành lang ATGT đường bộ mà chưa được bồi thường, nay cũng cần xem xét hỗ trợ.

Nhưng với những trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước để khiếu kiện theo kiểu ăn may thì phải kiên quyết xử lý. “Dân không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng. Cán bộ mà công tâm, tâm huyết, làm công tác GPMB sẽ thuận lợi”, ông Cường chia sẻ.

Phan Tư

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.