Hà Nội cần hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong thành phố, tránh tập trung lượng lớn dân cư trong một toà nhà gây tắc đường (Trong ảnh: Đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) - Ảnh: Ngô Vinh |
Loay hoay tổ chức giao thông
Thực tế hiện nay phần lớn các khu nhà cao tầng, khu đô thị án ngữ đã không tính đến lượng phương tiện tham gia giao thông có thể tạo ra áp lực lên các tuyến đường quanh khu vực. Hệ lụy thì đã rõ, nhưng giải pháp để khắc phục, hay nói đúng hơn là “sửa sai” thì lại không hề đơn giản.
Theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, ở một số khu vực, hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu đô thị, tại các nút giao trọng điểm, Sở GTVT sẽ yêu cầu lực lượng thanh tra phối hợp với CSGT thành phố để phân làn, phân luồng hợp lý. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thi công trên địa bàn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án thi công trên các tuyến đường như: Đường sắt đô thị, dự án đường vành đai. “Sở GTVT cũng sẽ xin cơ chế đặc thù để thực hiện ngay 6 cầu vượt, đẩy nhanh hệ thống buýt nhanh BRT có khối lượng chuyên chở lớn. Các phương án tổ chức giao thông phải thật sự hợp lý, điều chỉnh các nhịp đèn, phân làn phân luồng cơ động theo luồng tuyến, tập trung ở các khu dân cư và đô thị, nút giao có mật độ giao thông lớn”, ông Viện nói.
Cùng đó, thành phố cũng tập trung cho vận tải hành khách công cộng, tuyến buýt BRT cũng là một trong những giải pháp chính cho đường đô thị. Dọc hai bên đường Lê Văn Lương - Láng Hạ, kết nối với hệ thống đường sắt, tập trung tổ chức xe buýt cho hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho những người dân khu đô thị sử dụng vận tải hành khách công cộng cũng là cách để giảm phương tiện cá nhân lưu thông trên tuyến đường đó, giảm áp lực chung giao thông lên toàn bộ thành phố.
Phải siết chặt quy hoạch xây nhà cao tầng
Tất cả những giải pháp mà lãnh đạo Sở GTVT nêu lên đều chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, chưa thực sự căn cơ. Trao đổi với Báo Giao thông, KTS. Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội lo lắng, ở Hà Nội hiện nay có tình trạng nhà làm nhanh hơn đường. Sắp tới các khu nhà cũ cũng được làm cao tầng nữa. Với trình độ và kỹ thuật xây dựng hiện nay, việc xây một tòa cao mấy chục tầng, một khu đô thị rất dễ. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để khu nhà đó, khu đô thị đó hoạt động được, cư dân trong tòa nhà đó sinh sống và làm việc được một cách thoải mái và thuận tiện, không ảnh hưởng đến các tuyến đường và môi trường xung quanh. Đấy mới là điều quan trọng.
"Thực tế có những chủ đầu tư khu nhà cao tầng tính toán sai và không lường trước được tác động của khu nhà đó lên hạ tầng giao thông quanh khu vực, nhưng trong đó cũng không loại trừ cả việc nể nang trong xây dựng nên mới xảy ra các tòa nhà cao tầng mọc lên gây mất ATGT và ùn tắc giao thông." KTS. Lê Văn Lân |
“Với tình trạng giao thông Hà Nội chật chội hiện nay, cần hạn chế xây dựng các tòa nhà cao tầng trong thành phố. Quy hoạch đô thị và giao thông phải hài hòa, không được để lượng dân cư quá lớn vào trong một tòa nhà. Điều này ai cũng biết, nhưng vấn đề là có thực hiện hay không?”, ông Lân nói.
Về giải pháp lâu dài, theo TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thông thường ở các nước khác, trước khi xây dựng bất cứ một khu đô thị nào đều có quy trình chặt chẽ đánh giá tác động giao thông. Đây là quy trình bắt buộc phải thực hiện như thu thập dữ liệu như thế nào, tác động giao thông và môi trường ra sao và giải pháp để xử lý triệt để các vấn đề phát sinh.
“Thực tế, việc xây khu đô thị và nhà cao tầng là tất yếu của một đô thị phát triển, nhưng bên cạnh đó phải có các giải pháp hạn chế tác động. Nếu một khu đô thị, hay tòa nhà chuẩn bị xây dựng mà gây nguy cơ gây tắc đường chẳng hạn, chính quyền thành phố sẽ yêu cầu phải có giải pháp tổ chức giao thông, thậm chí thu nhỏ quy mô xây dựng. Nước ta cũng đã có quy định về các quy trình này, nhưng thực tế lại áp dụng chưa triệt để. Vì vậy cần siết chặt lại việc thực hiện cho đúng”, TS. Minh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận