Bé Hồ Thị Hân sống sót trên lưng người mẹ chết đuối |
Chuyện về cái chết thương tâm của chị Hồ Thị Niên (38 tuổi, trú bản Ba De, xã Linh Thượng, H. Gio Linh, Quảng Trị) vào đêm 25/6 khi đang mò ốc bên bờ đập Kinh Môn (H. Gio Linh) khiến bao người xót xa, nhói lòng.
Đặc biệt là bé Hồ Thị Hân, đứa con 2 tuổi ngoi ngóp trên lưng thi thể người mẹ nghèo được phát hiện và cứu sống vào rạng sáng chỉ có thể cắt nghĩa tình mẫu tử thiêng liêng để lý giải cho phép mầu diệu kỳ đó.
Chúng tôi ngược lên bản Ba De, cuộc đời ngắn ngủi của người mẹ trẻ xấu số và gia cảnh của chị em bé Hân trải ra với đầy khốn khó trên bản nghèo miền tây ấy.
Linh Thượng là xã chủ yếu đồng bào Vân Kiều, tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Riêng Ba De, con đường Hồ Chí Minh nhánh đông rẽ đôi bản, rừng rú bao quanh, ngút ngàn gió. Chúng tôi gặp chị Hồ Thị Hôm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Linh Thượng, là người nắm rất rõ về gia cảnh của nạn nhân và chị cũng chính là người tham gia tiếp nhận đón cháu Hân về bản vào sáng 26/6.
Nạn nhân là vợ anh Hồ Văn Quý, một hộ nghèo của xã, là mẹ của 6 đứa con thơ. Nạn nhân cũng mắc bệnh thần kinh mấy năm nay. Theo chị Hôm, sáng sớm 26/6, nhận tin từ xã Gio Bình (H. Gio Linh) về trường hợp đuối nước, đồng bào bản làng của Linh Thượng băng rú chạy về đập Kinh Môn. Để đến được nơi xảy ra tai nạn và đưa thi thể vào bờ phải đi bằng thuyền nên nhiều người phải nán đợi bên bờ đập. Lúc này, bé Hân đã được đưa lên bờ chăm sóc. Cứu sống cháu bé là vợ chồng ông lão đánh cá, có người biết tên gọi là ông Sọ bà Hoa, người xã Gio Bình.
Vào đêm 25/6, vợ chồng ông lão đã thấy chị Niên địu con trên lưng đến hồ. “Cháu đến mò ốc đây ông” - chị Niên trả lời. Nấu bữa tối xong, vợ chồng ông còn mang nguyên cả xoong cơm ra cho mẹ con chị Niên, mua cả sữa cho Hân. “A kay của mẹ, ngủ ngoan để mẹ bắt ốc nghe” (a-kay là tiếng đồng bào thiểu số khi gọi con thơ) - chị Niên nựng con ngủ rồi bắt tay vào việc.
Tưởng mẹ con chị sẽ về sớm, ai ngờ, gần sáng, ông Sọ chèo thuyền ra chài lưới thì nghe tiếng trẻ khóc yếu ớt. Chợt nhớ mẹ con người đàn bà tinh thần không được bình thường ấy, ông nhanh tay chèo tới thì chị đã chết từ lâu, trên lưng, đứa bé nằm trong tấm xấn quấn chéo để địu trên lưng của mẹ cứ chòi chân vào mặt hồ. Không kịp chần chừ, vợ chồng ông lão đánh cá nhanh chóng đưa Hân lên bờ và báo tin cho chính quyền địa phương. Sáng cùng ngày, thi thể chị Niên cũng được đưa về bản.
Câu chuyện về đời người xấu số lại được kể. Chị Niên thuở đôi mươi xinh lắm, kết duyên với anh Hồ Văn Quý cũng là người của bản Ba De chịu thương chịu khó. Trên vùng đất này, cái nghèo vẫn bủa vây, vợ chồng anh Quý lại sinh con đông, đến 6 đứa. Cách đây mấy năm, chị Niên bỗng đổ bệnh, thần kinh bất ổn, lúc tỉnh lúc mê rồi cứ lẩm bẩm một mình, có lúc chị ôm con khóc lóc chạy quanh bản.
Thuốc thang, cúng bái theo phong tục vẫn không giảm, có người nói do nơi ở không hợp, gia đình kéo nhau lên ở nhờ nhà bố anh Quý mong cho chị thuyên giảm. Nhưng chị Niên không chịu đi. Họ phải tháo dỡ mái tôn, không để lại vật dụng gì để chị phải lên ở cùng, chị vẫn không rời và không cho ai nuôi Hân.
Chị vẫn làm lụng, lên nương, không phá phách, làm phiền ai nhưng đôi chân hay đi lang thang, phơi nắng, nằm sương, đi xa bản có khi đến mấy ngày mới về. Chăm sóc, nuôi dưỡng con cái vẫn là việc chính của anh Quý. Làm thuê cực nhọc, gia cảnh không suôn sẻ, anh Quý nhìn càng bơ phờ, lo cho cái ăn đã khốn khó, việc chữa trị cho vợ vì thế mà ít được quan tâm, buông xuôi theo số phận.
Mẹ con chị Niên cứ đùm bọc qua ngày nơi ngôi nhà tuềnh toàng, hình ảnh chị địu Hân trên lưng lên nương, lên rẫy rồi lang thang ở các bản đã không còn lạ lẫm. Ai cho chuối, cho bắp thì chị lấy, còn cho tiền tuyệt đối từ chối. “Xã cũng đã làm chế độ cho chị hưởng trợ cấp đối với người bị bệnh tâm thần. Hội Phụ nữ cũng như các đoàn thể khác thường xuyên vận động, đóng góp để giúp đỡ cho chị. Mới đây, vừa đề xuất làm lại ngôi nhà cũ để mẹ con chị bớt cực khổ mưa nắng, chuẩn bị thực hiện thì xảy ra chuyện đau lòng này” - chị Hồ Thị Hôm cho biết thêm.
Lại nói đến cháu Hân, năm tháng ấu thơ trên lưng mẹ, em cũng có sức sống kỳ diệu. Ăn uống thiếu thốn, lại lang bạt theo mẹ khắp nơi vẫn lớn khỏe, dễ thương như cỏ như cây của rừng. Nhiều người còn nhớ ngày sinh Hân, chị Niên tự sinh tại nhà rách nát, ai đến thăm cũng sợ bắt mất con, kể từ đó, mỗi bước mẹ con không rời.
Mẹ mất, cháu Hân trở về trong vòng tay của ba và ông bà nội già yếu, với anh chị em mồ côi của mình. “Em nhớ mẹ nên khóc dữ lắm, em cứ bắt địu trên lưng mãi rứa thôi” - cô bé Hồ Thị Hoành, chị cả của Hân tâm sự. Hoành năm nay 17 tuổi nhưng gầy nhỏ lắm. “Năm học tới hai đứa lên cấp 2, hai đứa học cấp 1, thêm Hân mẫu giáo nữa” - Hoành chia sẻ. Phía góc nhà, bố của đàn con nheo nhóc cũng nhếch nhác theo. Ngôi nhà nhỏ mà mấy cha con đang ở là của bố mẹ anh Quý. Đây cũng là ngôi nhà tình nghĩa mà bộ đội Trường Sơn hỗ trợ xây tặng.
Lúc chúng tôi đến nhà, rất đông bà con bản Ba De còn lưu ở nhà ông nội Hân chia sẻ với gia đình sau khi đã tiễn chị về nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Nhưng đàn con 6 đứa thương lắm. Nhất là Hân, nó cứ dán mắt lên bàn thờ nghi ngút khói có di ảnh mẹ, nó cứ gọi mãi. Có lẽ nó đang nhớ lắm tiếng thân thương của mẹ mới khuya đó thôi. Rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, chị em Hân rất cần được giúp đỡ. Thương biết mấy A kay ơi...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận