>>> Mưa lũ miền Trung ngày 30/10
Nhóm PV Báo giao thông liên tục cập nhật thông tin về vụ sạt lở đất ở Quảng Nam ngày 29/10. Những thông tin mới nhất về hiện trường, công tác tìm kiếm, cứu hộ của lực lượng chức năng ở 2 khu vực sạt lở vùi lấp 53 người.
Ngày mai, dùng flycam và chó nghiệp vụ vào hiện trường tìm kiếm
Tối 29/10, trao đổi với PV Báo Giao thông Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, lúc 16h chiều nay đã tiếp cận được hiện trường sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng.
Đến 19h30, lực lượng cứu hộ cứu nạn tạm dừng tìm kiếm để thực hiện câu điện để làm đêm. Dự kiến, đêm mai sẽ làm xuyên đêm nếu trong ngày 30/10 không tìm thấy tất cả những người mất tích.
"Lực lượng cứu hộ tạm dừng tìm kiếm để sắp xếp, lên kế hoạch cho cứu hộ ngày mai. Sẽ đưa cho nghiệp vụ, flycam để tìm kiếm dọc sông và khu vực hồ thủy điện Sông Tranh 2", ông Bửu cho hay.
Khẩn trương đưa người bị thương đi cấp cứu, tìm người mất tích
17h: 2 xe cấp cứu chở gần 10 người bị thương trong vụ sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng về Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My.
Hiện trường sạt lở ở Trà Leng
Song song với thực hiện nhiệm vụ mở đường vào vào hiện trường tìm kiếm nạn nhân, các lực lượng bộ đội, công an, dân quân thực hiện di chuyển bằng đi bộ vào hiện trường, để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân nhanh nhất có thể.
Tại hiện trường, ghi nhận của PV, vị trí điểm sạt lở vùi lấp các nạn nhân hoàn toàn bị chia cắt do nước lũ cuốn trôi toàn bộ nền mặt đường tuyến ĐH1, tạo vực sâu khoảng 30m, rộng hơn 100m, cắt đứt toàn bộ tuyến đường.
Để tiếp cận hiện trường, các lực lượng cứu nạn phải cắt rừng, vượt qua vị trí sạt lở gần chân núi. Vì vậy, mọi công tác tìm kiếm chỉ thực hiện bằng tay chân và dụng cụ thô sơ.
Tuy nhiên, với khối lượng đất đá vùi lấp nhà cửa người dân thôn 1 sâu 3-7m, công tác tìm kiếm hết sức khó khăn.
Đưa 10 người bị thương trong vụ sạt lở ở Trà Leng đi cấp cứu
Tính đến 16h chiều 28/10, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện 6 thi thể và đưa ra khỏi vị trí sạt lở.
Ngoài 6 thi thể được phát hiện được, lực lượng cứu nạn, cùng người dân đưa 10 người bị thương ra trung tâm y tế xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My chữa trị.
Theo bà Thái, Trạm trưởng y tế xã Trà Dơn, hầu hết 10 người đều bị thương nhẹ, ngoài 2 trường hợp bị khá nặng bị gãy chân phần đùi. Hiện sức khỏe 10 người đã dần ổn định.
Hiện lực lượng tìm kiếm đang tiếp tục tìm kiếm các trường hợp còn lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, hiện chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng tìm kiếm. Do địa hình phức tạp, đất đá, cây cối, vật cản, bùn đất lớn nên mọi việc tìm kiếm chỉ thực hiện bằng thủ công, bằng tay, các công cụ thô sơ.
33 nạn nhân bị vùi lấp ở Trà Leng còn sống
15h55: Theo cập nhật mới nhất của PV Báo Giao thông, đến thời điểm hiện tại, riêng vụ sạt lở tại xã Trà Leng đã vùi hơn 50 người. Đến hiện tại, lực lượng chức năng xác định 33 người còn sống, trong đó có 16 người bị thương nặng.
Hiện lực lượng cứu hộ đã tiến sát hiện trường và sẽ tiếp tục cập nhật con số chính xác về những nạn nhân gặp nạn.
Lúc 15h30 ngày 29/10, lực lượng chức năng đã đưa 5 người bị thương từ vụ sạt lở ở Trà Leng đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My. 5 nạn nhân gồm 2 người lớn và 3 trẻ em. Những người bị thương được người dân khiêng băng rừng đến vị trí lực lượng cứu hộ đang thông đường.
Theo quan sát cả 5 người này bị thương nặng, gãy tay, gãy chân, đa chấn thương... Các nạn nhân này mới chỉ được sơ cứu, nẹp chân tay tạm bằng gỗ. 2 nạn nhân bị thương nặng chuẩn bị được đưa lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp chỉ đạo thông tuyến cứu nạn
Từ 14h trưa nay (29/10), Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục sạt lở, nối đường cứu nạn DH1 lên điểm đất đá vùi lấp người dân ở xã Trà Leng (Nam Trà My).
Ghi nhận PV, đến 15h chiều 29/10, hơn 1 giờ sau khi Thứ trưởng Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo hiện trường khắc phục sạt lở trên tuyến DH1, 2 điểm nóng đứt đường Km6-Km7 đã cơ bản thông tuyến. Phía sau các đơn vị bộ đội tiếp tục di chuyển về phía hiện trường sạt lở xã Trà Leng, với khoảng cách còn chừng 7km.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, thực hiện công điện của Thủ tướng, trực tiếp là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại sở chỉ huy tiền phong cứu hộ, cứu nạn sạt lở Quảng Nam, ngành GTVT huy động lực lượng nòng cốt: sở GTVT, cục QLĐB III (Tổng cục đường bộ VN) cùng các đơn vị ngành GTVT trên địa bàn với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhất.
12h45: PV của Báo Giao thông đang tiếp cận hiện trường sạt lở xã Tà Leng (Nam Trà My) bằng đường bộ, băng rừng và sử dụng xe máy của người dân địa phương.
Hiện, PV còn cách hiện trường khoảng 7km. Thông tin qua điện thoại, phóng viên cho biết, đoạn tuyến dài gần 20km từ QL40B lên đường tỉnh vào xã Tà Leng bị sạt lở, ô tô không thể lưu thông. Các mũi thi công khắc phục sạt lở tập trung cao độ.
Nhiều máy móc, thiết bị tại chỗ được ngành GTVT tăng cường, nhưng sạt lở lớn, khiến công tác thông tuyến khó khăn.
Ghi nhận PV, trên đường tiếp cận hiện trường xã Tà Leng gặp 4 người dân bị thương trong số 45 người bị sạt lở tại đây đang được người dân địa phương dùng cáng, võng để khiêng bộ ra ngoài, cấp cứu.
Thông tuyến điểm sạt lở đầu tiên đường vào hiện trường
Vào 11h sáng 28/10, sau hơn 6 giờ đồng hồ nỗ lực, điểm sạt lở đầu tiên trên tuyến QL40B vào hiện trường cứu nạn đã được thông.
Tuy nhiên, tuyến đường chỉ thông và tiến vào hiện trường khoảng 15km thì tiếp tục bị ách tắc.
Mất liên lạc với Bí thư xã Trà Leng
10h45: Thông tin mà Báo Giao thông vừa có được, trong những người bị mất tích do sạt lở ở Trà Leng có Bí thư xã Trà Leng và 3 người khác may mắn thoát nạn.
Anh Đoàn Minh Lợi (35 tuổi, trú huyện Bắc Trà My) cho biết, lúc 5h sáng nay, anh gọi điện cho người cô tên Ngọc, nhà ở khu vực sạt lở thì bà Ngọc cho biết vừa may mắn thoát chết.
Ngoài bà Ngọc thì có ông Lê Hoàng Việt - Bí thư xã Trà Leng và 2 người khác may mắn chạy thoát được.
Tuy nhiên, đến lúc này anh Lợi gọi lại cho bà Ngọc thì không có tín hiệu.
Đưa phương tiện truyền phát sóng vào hiện trường 45 người bị vùi lấp
10h30: Quân khu V đưa phương tiện truyền phát sóng vào hiện trường phục vụ công tác cứu nạn.
Quân đội gấp rút đưa người, những vật dụng cần thiết đến Sở chỉ huy tiền phương, sẵn sàng tiếp cận hiện trường tham gia công tác tìm kiếm.
Di chuyển 2/3 đất đá vùi lấp mặt đường QL14E
Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, khối lượng đất đá sạt lở điểm đầu tiên mà lực lượng chức năng tiếp cận di dời khá lớn. Toàn bộ phía taluy dương bên trái tuyến QL14E bị đất đá sạt lở lấp toàn bộ mặt đường. Phía taluy âm cũng bị sạt lở ăn sâu vào lề đường.
Hiện khối lượng đất đá được đi chuyển được khoảng 2/3 mặt đường. Để tạo kết cấu mặt đường vững chắc, tạo điều kiện cho các phương tiện xe máy vào hiện trường sạt lở tìm kiếm người mất tích, đơn vị thi công đã dùng cấp phối đất đá gia cố mặt nền đường tại vị trí sạt lở.
Nỗ lực thông đường vào hiện trường sạt lở vùi lấp 45 người
Lực lượng nhân lực, xe máy cty CP Công trình GTVT Quảng Nam đang nỗ lực thông đường tại 3 vị trí. Điểm sạt lở có khối lượng đất đá lớn nhất là khu vực cách chân đập Thủy điện Sông Tranh 2 khoảng 200m.
Tại hiện trường có 3 xe múc loại lớn làm việc hết công suất trong hơn 6 giờ đồng hồ qua. Đại diện đơn vị lực lượng này cho biết, khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa có khả năng thông đường bước 1 tại vị trí sạt lở đầu tiên. Hiện ở 2 ví trí sạt lở kế tiếp nhân lực đơn vị cũng đang nỗ lực di dời đất đá, vật cản, để thông đường sớm nhất có thể.
Tranh thủ từng phút mở đường vào khu sạt lở Trà Leng
Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu QĐND Việt Nam cần nhất là lực lượng tại chỗ và tham gia càng nhiều càng tốt.
Hiện nay đang sử dụng lực lượng tại chỗ bằng tay không và đã tìm được 8 thi thể. Bằng cách nhanh nhất, đưa các lực lượng vào song song với thông đường, đảm bảo giao thông, đảm bảo kết nối để đưa lực lượng, phương tiện hiện đại vào để giải quyết vấn đề căn cơ.
“Nhưng chúng ta không chờ đường bộ được thông mà sẽ bằng cách đưa lực lượng nhỏ lẻ vào nhiều chuyến để tăng cường lực lượng tại chỗ. Ngoài ra, tổ chức trinh sát đường sông để xem khả năng tối đa là vào đến đâu và từ điểm đó vào khu sạt lở khoảng cách bao nhiêu. Chúng ta chỉ còn 2-3 ngày thời tiết tốt nên phải thực hiện ngay từ bây giờ”, Trung tướng Bình nói.
Đồng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị công an tiếp tục trinh sát, Còn bộ chỉ huy quân sự huyện chuẩn bị phương tiện đường thủy.
Ông đề nghị UBND tỉnh bố trí phương tiện nhỏ để tách lực lượng, lương thực để đi đường tránh vào khu sạt lở ngay. Ba việc phải làm là đưa sớm các lực lượng vào để làm thủ công; thứ 2 là khảo sát đường, thứ 3 là nhanh chóng thông tuyến đường chính.
Theo Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, vụ việc xảy ra đáng tiếc, rất đau lòng. Trách nhiệm của chúng ta là tập trung tìn kiếm những người mất tích, chưa xác định được 45 còn mất tích còn hay mất.
“Thủ tướng chỉ đạo lập sở chỉ huy tiền phương ở Bắc Trà My, đề nghị Bắc Trà My phối hợp với các đơn vị, Nam Trà My để tác chiến và hỗ trợ tích cực cho Sở chỉ huy tiền phương”, ông Cường nói.
Về hướng tiếp cận hiện trường, Bí thư Quảng Nam cho rằng ưu tiên thứ nhất là đường bộ, đường thủy cho lực lượng ít đi trinh sát, hỗ trợ cho đường bộ, cố gắng trong hôm nay đưa quân vào hiện trường, tránh mưa gió 3-4 ngày đến.
"Ngoài lực lượng của Quân khu 5 thì đề nghị các lực lượng của Bắc Trà My huy động lực lượng để hỗ trợ Nam Trà My. Sở chỉ huy sẽ do Chủ tịch tỉnh làm Chỉ huy trưởng. Phía Quân khu 5 sẽ trực tiếp bố trí lực lượng làm ngày đêm tìm kiếm nạn nhân mất tích còn lại", ông Cường cho biết.
Đối với 8 nạn nhân tử vong đã được tìm thấy, ông Cường chỉ đạo địa phương hỗ trợ mai táng.
Tìm thấy 8 thi thể ở Trà Vân, 8 ở Trà Leng
10h15: Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, đến 10h cùng ngày, đã tìm thấy tổng cộng 16 thi thể người dân mất tích. Trong đó, có 8 người ở xã Trà Vân và 8 người ở thôn 1, xã Trà Leng.
Hiện khu vực xã Trà Leng vẫn chưa có sóng điện thoại nên việc nắm bắt thông tin tại hiện trường khó khăn.
Nổ mìn phá đá, đẩy tiến độ nối tuyến QL40 lên khu sạt lở
9h sáng 29/10, nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng đang được ngành GTVT tăng cường lên khắc phục các điểm sạt lở trên QL40B.
Thông tin từ Sở GTVT Quảng Nam cho biết, đơn vị chức năng đã phá đá nổ mìn điểm sạt lở Km 68 QL40 (Bắc Trà My), huy động cả chục máy móc, thiết bị chuyên dụng hót dọn, tập trung tối đa đẩy nhanh tiến độ thông tuyến.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, lãnh đạo UBND tỉnh và Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam trực tiếp ở hiện trường sạt lở và sở chỉ huy tiền phương lập tại Bắc Trà My.
Thống kê Sở GTVT Quảng Nam, đoạn tuyến Bắc Trà My lên Nam Trà My (ngã ba đường lên điểm sạt lở) dài khoảng 20km, hiện có 4 điểm sạt lở: Km68, K93+800, Km95+130, Km 96+140, nặng nhất là điểm K68 Ql40. Đoạn phía Nam Trà My (Quảng Nam) đang được lực lượng tại chỗ, ngành GTVT tập trung xử lý sạt lở đoạn Km 96+140.
Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, phương châm ngành GTVT mở đường dưới đánh lên, trên đánh xuống, tạo 2 mũi chủ lực để thông tuyến Bắc Trà My lên Nam Trà My.
Riêng đoạn đường từ QL40B lên hiện trường sạt lở xã Trà Leng (Nam Trà My) dài khoảng 16km có 3 điểm sạt lở, cắt đường. Ngành GTVT chỉ đạo đơn vị kinh doanh mỏ đá ở đầu tuyến tập trung máy móc để xử lý sạt trượt, nối tuyến.
Tại khu vực này có 1 doanh trại bộ đôi, đơn vị này cũng tập trung cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện hiện có để đẩy tiến độ khắc phục hư hại, sạt lở tuyến.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp chỉ đạo thông tuyến cứu nạn
Trong sáng nay (29/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo thông tuyến sạt lở, mở đường cứu nạn lên khu vực Nam Trà My. Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, phương châm tập trung, quyết liệt tối đa.
Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng "nòng cốt" sở GTVT, Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN), Ban QLDA 5... tăng cường nhân vật lực, mũi thi công. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 để cứu hộ cứu nạn nhanh, hiệu quả nhất.
Đoàn công binh, xe múc lên hiện trường vụ sạt lở đất ở Quảng Nam
Đến 6h sáng 29/10, lực lượng Công binh thuộc Quân khu 5 (Bộ Quốc phòng) vẫn tiếp tục thông tuyến đường QL40 - con đường độc đạo dẫn lên hiện trường sạt lở tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Đoàn xuất phát từ 3h sáng 29/10 để đưa cán bộ chiến sĩ và 2 xe múc cỡ lớn lên hiện trường.
Tuy nhiên, việc di chuyển đến hiện trường gặp nhiều khó khăn do nhiều vị trí cây xanh đổ, dây điện giăng xuống gần mặt đường.
Ghi nhận PV Báo Giao thông, đến sáng nay (29/10), hàng loạt thiết bị chuyên dụng, máy đào, múc... được lực lượng nòng cốt ngành GTVT Quảng Nam tăng cường lên hiện trường sạt lở trên tuyến QL40B, lên Nam Trà My.
Đến nay đoạn tuyến Tam Kỳ lên Bắc Trà My cơ bản thông tuyến, đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, từ Bắc Trà My lên khoảng hơn chục cây số, đến Km 68 QL40B xuất hiện sạt lở taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường. Đáng kể, tảng đá mồ côi lớn lăn sạt xuống lòng đường, khiến việc lưu thông tại đây hoàn toàn đứt đoạn.
Trao đổi với PV, ông Tuấn cho hay, khối lượt sạt lở quá lớn, phức tạp nhất là tảng đá lăn. Đơn vị chủ động phương án nổ mìn phá đá hoặc dùng búa tạ... Mục tiêu xử lý nhanh, hiệu quả nhất.
Theo ông Tuấn, ghi nhận sơ bộ đoạn tuyến QL40B từ Bắc Trà My lên Nam Trà My có khoảng 4 điểm sạt lở lớn. Chủ yếu sạt taluy dương, đất đá tràn lấp mặt đường.
Đến nay, ngành GTVT đã huy động hơn 30 thiết bị xe máy chuyên dụng múc, đào tổ chức thông tuyến với phương châm "dưới đánh lên, trên đánh xuống". Các lực lượng tại chỗ của địa phương cũng tăng cường thêm 3 thiết bị xe máy chuyên dụng tham gia.
Theo ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, QL40B có mặt đường khá nhỏ nên việc tổ chức mũi thi công phù hợp. Sở ưu tiên mũi tiên phong, mở đường sớm, sau đó đến các mũi khắc phục, đảm bảo giao thông tạm.
Vụ sạt lở đất xảy ra tối 28/10 trên địa bàn huyện Nam Trà My, tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân.
Tại thôn 1 xã Trà Leng sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người may mắn thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, 8 người bị vùi lấp.
Đêm 28/10, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 ở trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiệm vụ cho từng cá nhân tham gia chỉ huy công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Quảng Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận