Nhà ga T2, Sân bay quốc tế Nội Bài |
Choáng về thời gian thi công
Trong bài viết trên BBC ngày 7/1, bà Kay chia sẻ: “Tôi có vinh dự là một trong những người đầu tiên sử dụng dịch vụ tại nhà ga sáng bóng mới được hoàn thành tại Thủ đô Hà Nội hôm 5/1 vừa qua. Điều khiến tôi thực sự ấn tượng đó là dự án này mới chỉ được bắt đầu từ năm 2009”.
Bà Kay phải thốt lên rằng: “Tốc độ thay đổi và phát triển tại châu Á quả là đáng kinh ngạc, đặc biệt, khi so sánh với sự bất lực của Mỹ” trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Sở dĩ bà Kay nói như vậy là bởi, theo bà, chỉ trong vòng 5 năm ngắn ngủi, Việt Nam không chỉ xây dựng xong một nhà ga tầm cỡ mà còn hoàn thành một con đường cao tốc 6 làn và một cây cầu công nghệ cao ấn tượng để kết nối nhà ga này với khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội (cầu Nhật Tân). Trong khi đó, những năm qua, sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ đồng nghĩa với việc nước này không thể nhất trí với bất cứ dự án cơ sở hạ tầng nào, chứ chưa nói tới những dự án lớn như Nhà ga T2 Nội Bài”.
Thậm chí, bà Kay khẳng định, “hãy thử bay từ Thủ đô của Việt Nam tới Thủ đô Washington của Mỹ, bạn sẽ nhận ra sân bay tại Washington đã đến lúc cần phải nâng cấp. Đặt lên bàn cân tất cả 5 sân bay của châu Á hiện đại và sáng loáng (trong đó có Campuchia, Việt Nam, Hàn Quốc) trong chuyến tham quan nghỉ dưỡng của tôi lần này, tôi có cảm giác như mình đang bước chân tới một thế giới khác”.
Đặc biệt, bà Kay nhấn mạnh: “Có thể, bạn sẽ nghĩ, hẳn các công ty phương Tây đã ồ ạt đầu tư vào đây. Thực chất, nhà ga mới của Hà Nội cũng như hệ thống tàu điện ngầm mới của TP Hồ Chí Minh được xây dựng nhờ nguồn đầu tư từ Nhật. Theo quan điểm của tôi, châu Á bùng nổ phát triển dựa trên chính tài chính của châu Á”.
Bản thân bà Kay cũng cho rằng, nếu sở hữu một công ty xây dựng hay một chuỗi khách sạn, một hãng hàng không hoặc bất cứ công ty nào liên quan tới du lịch hay vận chuyển, “tôi chắc chắn sẽ chuyển tới phía Đông” (tức châu Á). Bà đúc kết ra một điều, trong sự phát triển vượt bậc của châu Á, “có rất ít sự góp mặt từ phương Tây”.
Ngành kinh tế chiến lược
Tại hội thảo “Hàng không: Chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối Việt Nam với thế giới” được tổ chức hồi tháng 8/2014, Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) nhận định, Việt Nam có thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 7 thế giới giai đoạn 2013-2017.
Tổng giám đốc IATA - ông Tony Tyler cho biết: “Ngành hàng không hiện đóng góp 6 tỷ USD cho GPD Việt Nam và tạo ra hơn 230 nghìn việc làm. Giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%. Cùng sự tự do hóa vận tải hàng không trong ASEAN, nhu cầu đi lại được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ năm 2015. Sự phát triển mạnh mẽ của hàng không sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, hàng không cần được coi trọng như một ngành kinh tế chiến lược và quan tâm đúng đắn.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, số lượng khách du lịch quốc tế tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 6%/ năm (lên tới 248 triệu lượt) trong năm 2013, lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Mặt khác, báo Nikkei Asian Review (Nhật) nhận định, sự phát triển của các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan sẽ kéo theo số lượng lớn khách du lịch từ các nước này ra nước ngoài nhất là tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần tạo nên mức tăng trưởng 6% kể trên. Thực tế, số lượng khách du lịch từ khu vực Đông Nam Á tới châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 10,5% trong năm 2013 (lên tới 93,06 triệu lượt) so với cùng kỳ năm trước và tăng 30% so với ba năm trước.
Tăng trưởng kinh tế thế giới có tương quan và phụ thuộc vào tăng trưởng hàng không. Năm 2026, khoảng 50 triệu việc làm phụ thuộc vào ngành Hàng không. Hạn chế mức tăng trưởng thấp hơn 1% có thể phải trả giá bằng 6 triệu việc làm và giảm hàng tỷ USD mức đóng góp GDP của ngành Hàng không, ông Adrian Cooper, Giám đốc Viện Kinh tế Oxford nói.
Còn Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh toàn cầu Frost & Sullivan Asia Pacific, người chuyên nghiên cứu lĩnh vực hàng không dân dụng châu Á - ông Chris De Lavigne cho biết: “Trong 10 năm tới, ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ xây dựng khoảng 350 sân bay mới với tổng số tiền đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đang dự kiến xây 100 sân bay, Ấn Độ khoảng hơn 60 sân bay”.
Trang Trần - Quang Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận