Chính trị

Kỳ họp Quốc hội thứ 9: Chờ đột phá trong lĩnh vực giao thông

18/05/2015, 06:45

Nhiều ĐBQH đặt kỳ vọng sẽ có sự phát triển đột phá trong lĩnh vực giao thông, tạo cú hích phát triển kinh tế.

31
 

Trước thềm Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20/5 tới, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với các ĐBQH xung quanh nội dung mà các đại biểu quan tâm cũng như sẽ đóng góp ý kiến. Nhiều ĐBQH đặt kỳ vọng kỳ họp lần này sẽ có sự phát triển đột phá trong lĩnh vực giao thông, tạo cú hích phát triển kinh tế.

GS. Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội):

ĐBQH đừng phát biểu cho vui

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII được tổ chức tới đây là một kỳ họp đặc biệt quan trọng, vì nó đang chuẩn bị các cơ sở pháp lý để triển khai biện pháp cụ thể cho khóa Quốc hội sắp tới. Kỳ họp lần này sẽ thông qua một loạt các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng Dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Với tư cách là ĐBQH, tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để thực hiện chu đáo và đầy đủ các điều kiện thuận lợi nhất cho Quốc hội khóa XIV triển khai hoạt động vào năm 2016.

Đối với các ĐBQH thì trước khi phát biểu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phải làm sao trong khoảng thời gian được quy định mà trình bày được nhiều ý kiến nhất, nội dung hợp lý, sâu sát, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nếu phát biểu chung chung thì không được. Tất cả các phát biểu dù đề cập những vấn đề vĩ mô, nhưng phải cụ thể, thiết thực, chứ phát biểu cho vui, cuối cùng chẳng đi đến đâu thì rõ ràng là không cần thiết, mất thời gian của Quốc hội.

Trong phiên họp lần này, tôi đặc biệt quan tâm đến một số bộ luật không những quan trọng mà còn nhiều ý kiến khác nhau như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Chính phủ… Tôi hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận thực sự ở Quốc hội để cùng nhau đi đến một ý kiến chung thống nhất, để Quốc hội đưa ra quyết định và sự lựa chọn hợp lý nhất.

33
 

ĐBQH Chu Sơn Hà (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội):

Ủng hộ chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành

Trong kỳ họp lần này tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển đột phá về vấn đề giao thông. Cụ thể, ngành Giao thông phải cố gắng làm sao hoàn chỉnh hệ thống giao thông tốt hơn, đặc biệt những tuyến đường đối với các tỉnh biên giới phía Tây Nam, mở rộng hợp tác quốc tế, làm sao để Việt Nam hội nhập với các nước một cách mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó là việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Ngoài việc hoàn chỉnh hệ thống luật pháp giao thông, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế TNGT, nâng cao chất lượng giao thông.

Một nội dung đáng chú ý trong kỳ họp Quốc hội lần này là việc cho ý kiến về chủ trương xây dựng Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Long Thành. Tôi đồng tình ủng hộ chủ trương này, nhưng lưu ý phải tính toán cụ thể và có từng bước đi thích hợp căn cứ vào các điều kiện cụ thể của Nhà nước như nợ công và yêu cầu thực tế… Từ những căn cứ ấy mới có thể triển khai các bước đi hợp lý, không nóng vội, nhưng cũng không thể chậm trễ được.

32
 

ĐQBH Bùi Thị An (Hà Nội)

Cần có những tranh luận, đối thoại ngay tại nghị trường

Tôi kỳ vọng kỳ họp lần này sẽ thông qua nhiều Bộ luật quan trọng nhằm phục vụ cho Kỳ họp thứ 10. Vừa qua, trong các phiên họp Thường vụ Quốc hội, phải nói rằng vai trò điều hành của Thường vụ Quốc hội được thực hiện khá tốt và linh hoạt. Điều đó được thể hiện qua việc trong mỗi Bộ luật đều đã lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, đặc biệt, có sự lưu tâm đến ý kiến của những người thuộc khối độc lập, khối phản biện xã hội... để luật đi vào cuộc sống.

Thông thường, nội dung công việc của kỳ họp nào cũng nặng. Vì thế Quốc hội cũng đã có những bước cải tiến về phương thức hoạt động. Ví dụ ở các phiên họp Thường vụ Quốc hội hiện nay đã gửi tài liệu cho các ĐBQH để nghiên cứu trước, song song với việc nghiên cứu tài liệu thì vẫn tổ chức các cuộc họp xen kẽ của các Ủy ban để thảo luận về những vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Chúng tôi hy vọng kỳ họp tới đây sẽ tiếp tục có sự cải tiến, linh động, để thời gian chất vấn, thảo luận về kinh tế xã hội sẽ kéo dài hơn. Ngoài ra, phiên họp cần bớt thời gian đọc báo cáo đi để có những cuộc mang tính chất tranh luận và đối thoại ngay tại nghị trường.

34
 

ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội):

Mong các dự án Luật sẽ không “chết yểu”

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tới đây chủ yếu tập trung vào nội dung xây dựng pháp luật. Vì thế, tôi kỳ vọng các dự án luật đưa ra, phải được nghiên cứu và cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Làm sao khi Quốc hội thông qua thì luật phải có tuổi thọ cao. Tránh tình trạng như trong thời gian qua, có một số luật mới được thông qua đã phải sửa đổi bổ sung, có các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống chậm vì thiếu các văn bản hướng dẫn, thậm chí có những điều luật mới thông qua chưa có hiệu lực đã đòi sửa đổi.

Bên cạnh đó, tôi mong luật đã ban hành phải nhanh chóng đi vào cuộc sống, đừng để như một số luật có giá trị rất thấp, thậm chí “chết yểu”. Muốn đạt được điều đó, cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội đều phải nâng cao trách nhiệm, không để luật đứng ngoài cuộc sống. Đặc biệt, cách thức tiến hành kỳ họp phải đổi mới nhiều hơn nữa, kết hợp giữa việc phát biểu, thảo luận tại hội trường. Tuy nhiên, thảo luận xong để đó thì không có ý nghĩa gì. Sau mỗi lần thảo luận về vấn đề gì Quốc hội nên có nghị quyết về vấn đề đó để thể hiện ý chí của Quốc hội, cũng chính là nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Vì khi không có nghị quyết của Quốc hội thì không biết nguyện vọng của dân được thực hiện bằng văn bản pháp lý nào.

Các vị ĐBQH khi phát biểu phải cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng, không phải phát biểu cho có hay để thể hiện mình mà phải xác định việc phát biểu để trình với Quốc hội về các vấn đề quốc kế dân sinh đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước, xây dựng pháp luật… Muốn vậy, phải dựa vào những vấn đề nóng bỏng nhất của đất nước, sau đó tổng hợp các ý kiến cử tri cả nước để phát biểu.

Kỳ họp này đặc biệt sẽ có nội dung cho ý kiến về việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành - một vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, vừa qua, Chính phủ cũng đã có giải trình, báo cáo làm rõ nhiều vấn đề, huy động đầu tư xã hội hóa nhiều hơn, giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đó là cố gắng tích cực của Bộ GTVT nói riêng và Chính phủ nói chung.

35
 

TS. Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội):

Nên phân bổ thời gian hợp lý

Kỳ họp Quốc hội lần này chủ yếu thông qua các luật để triển khai thực hiện Hiến pháp, trong đó có một số luật đặc biệt quan trọng như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Mặt trận, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND… Tôi mong ĐBQH sẽ tập trung thảo luận thật kỹ để thông qua các luật đó sao cho có chất lượng tốt nhất, phục vụ cho việc xây dựng chính quyền T.Ư và địa phương một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, đối với các luật đã được đem ra lấy ý kiến của nhân dân, tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ có sự tiếp thu, chỉnh lý làm sao để Luật có chất lượng tốt nhất.

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 17/5, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự kiến trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tới đây, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án Luật và một nghị quyết, đồng thời cho ý kiến về 14 dự án Luật. Trong đó, có hai dự án luật quan trọng rất được quan tâm tại kỳ họp lần này là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Ngoài ra, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trước đây dự kiến sẽ nhập thành một. Riêng về nội dung chất vấn thông thường là 2,5- 3 ngày. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa chốt ai sẽ là người được mời chất vấn và chất vấn về vấn đề gì. Vì việc này còn phụ thuộc vào số câu hỏi các đại biểu gửi về, ai nhận được nhiều câu hỏi thì sẽ được Quốc hội mời trả lời chất vấn. Kỳ họp lần này sẽ kéo dài từ ngày 20/5- 25/6.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.