Thời sự

Kỳ họp thứ tư QH khóa XIV: Giảm tăng trưởng phụ thuộc khai khoáng

25/10/2017, 06:37

Trong điều kiện khó khăn nhưng trong 9 tháng có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao...

8

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách năm 2018. Trong đó, nhiều ĐBQH cho rằng cần thay đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần phục thuộc vào khai thác tài nguyên.

Tháo gỡ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tin rằng, trong điều kiện khó khăn nhưng trong 9 tháng có khả năng đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng 7,46% của quý III thì cũng không nên chủ quan, vì để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải có mức tăng trưởng 7,31%”.

Phân tích về động lực tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô. Phó Thủ tướng cho biết, dầu thô năm 2017 kế hoạch đạt được chỉ 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016. Tính toán cứ mỗi triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Như vậy giảm 3 triệu tấn, làm giảm GDP 0,75%. Qua rà soát, chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp nên tăng trưởng giảm bớt đầu tư vốn, tín dụng, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật. Công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng.

Đề cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, số lượng vốn còn lại theo kế hoạch khá lớn và sẽ dồn lại cuối năm. “Chúng ta vừa làm động tác tăng ODA 14 nghìn tỷ đồng, giảm phần Trái phiếu Chính phủ xuống tương ứng. Nhưng đây là vấn đề năm nào Quốc hội cũng nói, T.Ư nói, Chính phủ nói, dân nói, nhưng chưa khắc phục được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Với thực tế giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã phối hợp với Quốc hội rà soát lại xem những vướng mắc nào liên quan đến Luật Đầu tư công. Theo bà, từ khi luật này ra đời đã hạn chế được đầu tư dàn trải, bởi luật quy định là khi muốn đầu tư cái gì thì phải chứng minh được nguồn vốn, tiền ở đâu, không như ngày trước, cứ ghi kế hoạch mà không biết tiền ở đâu. Tuy nhiên, có lúng túng trong thực hiện và do khâu hướng dẫn thi hành luật chưa tốt. Nêu thực tế dầu thô có giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong điều kiện giá dầu không tăng thì chúng ta không nên quá tập trung khai thác để bán rẻ tài nguyên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị nên có nghị quyết của Quốc hội về yêu cầu khống chế thời gian thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. 

Lần đầu tiên sau 10 năm hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao

Nhìn về kết quả KT-XH đạt được trong 9 tháng năm 2017, cũng như ước tính các chỉ số đạt được của cả năm, nhiều ĐB cho rằng, đây là cố gắng của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, Chính phủ hoàn thành được tất cả các chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Theo ông Ngân, những kết quả đã đạt được là bức tranh đẹp, tổng quan. Tuy nhiên, ông Ngân cũng lưu ý Chính phủ cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt khi mà đầu tư nước ngoài tăng lên cả về số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn. Các doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, các chính sách hiện chưa rõ nét trong việc làm thế nào để tiếp sức, thực hiện được Nghị quyết T.Ư 5 lấy kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để nền kinh tế phát triển.

Truyền thông khách quan về BOT giao thông

Theo ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, để thực hiện các mục tiêu phát triển của năm 2018, một trong những vấn đề quan trọng là phải có cơ chế đột phá để huy động các nguồn vốn. Đề cập đến kênh huy động vốn tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, ông Vượng cho rằng, đây là chủ trương đúng và đề nghị truyền thông cần “nói cả mặt tích cực chứ không chỉ toàn phản ánh tiêu cực của BOT”.

Theo ông Vượng, BOT chính là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng, các nước cũng tiến hành theo cách này. “Điều quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc này để làm không đúng, mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “tay không bắt giặc”, cần phải làm BOT thực sự bằng nguồn vốn của anh”, ông Vượng nhấn mạnh và cho rằng, tới đây phải phát triển mạnh hình thức đầu tư BOT để xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi trong khi ngân sách khó khăn, không còn cách nào khác.

Trình phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng Thanh tra Chính phủ

Chiều 24/10, Quốc hội đã bắt đầu quy trình phê chuẩn miễn nhiệm 2 thành viên Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đồng ý cho ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ thôi giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Các đại biểu thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này. Hôm nay (25/10), kết quả thảo luận sẽ được báo cáo, sau đó Quốc hội phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với hai thành viên Chính phủ cũng được biểu quyết, thông qua cùng ngày.

Tiếp đó, Thủ tướng sẽ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ, để Quốc hội thảo luận ở Đoàn. Đến sáng 26/10, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chiều cùng ngày, Trưởng Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu.

Anh Thư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.