Điều tra

Ký khống mua điện mặt trời giá cao: Cán bộ điện lực bị qua mặt hay bắt tay?

07/07/2021, 08:30

Những tấm pin mặt trời có kích thước khổng lồ chứ không phải là cái kim sợi chỉ, liệu các chủ đầu tư có dễ dàng qua mặt được cán bộ ngành điện?

img

Trạm biến áp bên trong công trình năng lượng điện mặt trời tại ấp Phú An, xã Trung Thành Đồng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

Dư luận có quyền nghi ngờ về sự khuất tất khi điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế để “rút ruột” tiền Nhà nước.

Né tránh báo chí

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, ngày 8/4/2021, ông Võ Văn Tư, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng đã ký Thông báo số 1765 về việc kết quả cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đối với CBCNV Điện lực Trần Đề.

Theo thông báo, ngày 12/1/2021, công ty đã kiểm tra hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) của 5 công trình tại ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề.

Kết quả, cả 5 hệ thống ĐMTMN còn dang dở, chưa lắp đặt đầy đủ các tấm pin và inverter, các trạm biến áp đã đóng điện, công tơ đã cài đặt 2 chiều, hợp đồng đã được ký kết và khai thác trên CMIS (mỗi công trình có dung lượng trạm biến áp là 1.250 kVA và công suất điện mặt trời là 990 kWp).

Công ty đã truy xuất dữ liệu 5 công tơ tại 5 trạm nêu trên vào ngày 13/1/2021. Kết quả: 2 trạm biến áp phát công suất vào ngày 1/1/2021 ghi nhận công suất chỉ có 19,8 kW và 72 kW.

Từ đó, Hội đồng Xử lý kỷ luật lao động của công ty đã họp và thống nhất cách chức ông Lê Trương Duy Tuấn, Phó giám đốc kỹ thuật Điện lực Trần Đề; khiển trách ông Dương Hoài Du, Giám đốc Điện lực Châu Thành (nguyên Giám đốc Điện lực Trần Đề thời điểm xảy ra sự việc)…

Trong khi đó, theo nguồn tin của Báo Giao thông, ngày 31/12/2020, Công ty Điện lực Sóc Trăng cũng có đoàn đi nghiệm thu, kiểm tra 5 dự án ĐMTMN nói trên. Cũng trong chính ngày này, 5 hợp đồng mua điện “khống” công suất như Báo Giao thông đã đề cập đã được ký kết.

Nếu cơ quan điều tra làm rõ có sự lót tay, chung chi cho người có thẩm quyền để được đấu nối và ký hợp đồng trước rồi mới thực hiện việc lắp đặt dần dần các tấm pin để đủ công suất đã đăng ký - thì đã có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ”. Bên cạnh đó, việc gây thất thoát cho Nhà nước do kê số điện khống để được hưởng ưu đãi giá cao có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ


Như vậy, trong quá trình kiểm tra, Điện lực Sóc Trăng cũng không phát hiện được những sai phạm. Và mãi cho đến khi Công an Sóc Trăng vào cuộc, chỉ ra hàng loạt sai phạm, Công ty Điện lực Sóc Trăng mới xử lý kỷ luật những người có liên quan. Hiện, vụ việc vẫn đang được Công an tỉnh Sóc Trăng tiếp tục điều tra.

Từ thực tế này, một cán bộ ngành điện cho rằng, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng - ông Võ Văn Tư cũng phải có trách nhiệm, vì theo quy định hiện hành, việc khảo sát, hồ sơ thiết kế, thi công đều phải thông qua và được chấp thuận bởi lãnh đạo công ty.

PV Báo Giao thông đã trực tiếp đến hiện trường công trình Hệ thống điện mặt trời áp mái tại xã Liêu Tú, sau khi vụ việc được phanh phui. Nơi đây vắng hoe không một bóng người. Cả 5 công trình nằm rải đều trên 1 khu đất, chỉ khác chủ đầu tư. Phía công an cho biết, do vụ việc đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thông tin.

Để làm rõ trách nhiệm xử lý sai phạm, PV liên hệ Điện lực Trần Đề nhưng cơ quan này từ chối tiếp xúc. PV tiếp tục liên lạc với Công ty Điện lực Sóc Trăng thì đơn vị này yêu cầu gửi câu hỏi bằng văn bản và trả lời sau.

Với những sai phạm trong ký hợp đồng mua bán điện mặt trời tại Vĩnh Long, PV đã liên hệ làm việc với Điện lực huyện Vũng Liêm nhưng cơ quan này cho biết không có thẩm quyền phát ngôn.

Khi liên hệ làm việc với Điện lực Vĩnh Long, PV được ông Nguyễn Thanh Trang, Phó giám đốc công ty cho biết: Sở Công thương ban hành văn bản thì đề nghị PV liên hệ đến Sở Công thương. “Tôi không có ý kiến”, ông này nói qua điện thoại.

Trong khi ngày 30/6, PV đã liên hệ ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long thì ông Phương đề nghị PV liên hệ làm việc với… Công ty Điện lực Vĩnh Long (?!)

Cán bộ ngành điện có vô can?

img

Công trình hệ thống điện mặt trời áp mái tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

PV tiếp tục làm liên hệ làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam và được ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc tổng công ty cho biết, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời áp mái do các công ty điện lực tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm.

Để thực hiện và hỗ trợ các nhà đầu tư, điện lực các tỉnh, thành phố sẽ phân cấp cho công ty điện lực cấp quận, huyện chủ động thực hiện, ký hợp đồng mua điện, tổ chức nghiệm thu theo đúng Quyết định 13 của Thủ tướng và các hướng dẫn của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam.

“Mặc dù phân cấp nhưng công ty điện lực tỉnh vẫn phải chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát các dự án”, ông Lý khẳng định và cho biết, sau khi phát hiện những vi phạm nói trên, ngày 12/1/2021 (thời điểm này vẫn chưa mua kW nào vì chỉ mới đóng điện), Công ty Điện lực Sóc Trăng đã yêu cầu hủy hợp đồng không có công suất, còn những hợp đồng không đúng công suất thực tiễn thì điều chỉnh lại cho đúng.

Tuy nhiên, một chuyên gia ngành điện tính toán, với công suất của 5 trạm biến áp được phát hiện ở Sóc Trăng thì mỗi trạm có thể phát từ 135.000 - 150.000 kWh, tối đa có thể lên tới 160.000 kWh/tháng.

Với mức chênh lệch 600 đồng/kWh trước và sau “giờ G” (giá mua điện chốt trước ngày 31/12/2020 là 1.943 đồng/kWh, còn sau mốc thời gian đó vào khoảng 1.340 đồng/kWh), nếu sự việc không được phát hiện, thì ngành điện đã “trả thừa” cho nhà đầu tư khoảng 90 triệu đồng/tháng, tương ứng gần 1,1 tỷ đồng/năm.

Như vậy, chỉ riêng với 5 dự án nói trên, Nhà nước có nguy cơ thiệt hại gần 5,5 tỷ đồng/năm. Và con số thiệt hại có thể lên tới cả trăm tỷ đồng, nếu hợp đồng kéo dài 20 năm!

Cũng theo người gửi đơn tố cáo đến Báo Giao thông, các chủ đầu tư dự án nói trên không dễ qua mặt được cán bộ ngành điện để được ký hợp đồng. “Thậm chí không loại trừ có sự “bắt tay” thỏa thuận với khoản “lót tay” có thể lên tới cả trăm triệu đồng/hợp đồng/dự án”, người này nói.

Đây mới là nội dung tố cáo, chưa phải kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, tấm pin mặt trời có kích thước rất lớn, nằm lộ thiên mà cán bộ ngành điện lại có thể đếm nhầm dẫn tới ký khống công suất để có lợi cho doanh nghiệp thì quả là vô lý. Nên động cơ, mục đích ký khống này rất cần được cơ quan điều tra làm rõ.

Vĩnh Long lập đoàn kiểm tra, Công an Sóc Trăng triệu tập người liên quan

Ngày 5/7, Báo Giao thông khởi đăng loạt bài điều tra: “Ký khống mua điện mặt trời giá cao, “rút ruột” Nhà nước”, phản ánh về việc nhiều dự án điện mặt trời tại ĐBSCL đã được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế.

Sau khi báo đăng, ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra, có đại diện Công an tỉnh làm thành viên để rà soát về phát triển điện mặt trời (Điện mặt trời mái nhà từ 100kWp trở lên) trên địa bàn tỉnh. Trong số này có 2 công trình mà Báo Giao thông đã phản ánh, nằm trên địa bàn ấp Phú An, xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm.

Cũng trong ngày 5/7, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, liên quan đến 5 dự án điện mặt trời mái nhà tại ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Công an tỉnh Sóc Trăng triệu tập một số cán bộ nhân viên có liên quan của chi nhánh Điện lực Trần Đề, kể cả Giám đốc chi nhánh điện lực thời điểm đó để làm rõ các vấn đề có liên quan.

Điện lực Vĩnh Long đang xem xét, xử lý trách nhiệm

Ngày 5/7, Báo Giao thông nhận được công văn phản hồi của Công ty Điện lực Vĩnh Long do ông Cù Tấn Tài, Phó giám đốc công ty ký.

Liên quan đến nội dung báo phản ánh, Công ty Điện lực Vĩnh Long cho biết, công ty đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn đang rà soát những nội dung còn sai sót liên quan đến thẩm quyền phía ngành Điện để khắc phục và xem xét xử lý trách nhiệm nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của ngành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.