Sáng 6/7, kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 khai mạc, xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận chú ý hơn cả không phải là những nội dung sẽ được đưa ra bàn thảo, mà nằm ở việc kỳ họp này sẽ không có hình thức chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Thay vào đó sẽ là hình thức chất vấn bằng văn bản.
Trước đó, Thường trực HĐND thành phố đã lấy ý kiến về hình thức chất vấn tại kỳ họp 15 đối với 100 đại biểu, trong đó có 95 đại biểu phản hồi. Kết quả có 3 đại biểu chọn phương án chất vấn trực tiếp tại hội trường, 91 đại biểu (95,7%) muốn chất vấn bằng văn bản.
Dù lý do được đưa ra là chất vấn bằng văn bản sẽ giúp tăng thời gian thảo luận tại hội trường, song nhiều người vẫn không khỏi cảm thấy kỳ lạ.
Bởi theo lẽ thường, mỗi khi diễn ra các kỳ họp của cơ quan dân cử, cử tri và người dân đều rất trông chờ những người đại diện cho mình sẽ thể hiện quyền hạn và trách nhiệm ra sao trước các vấn đề dân sinh bức xúc. Điều đó thôi thúc các đại biểu chuẩn bị những câu hỏi liên quan sát sườn đến quyền lợi của nhân dân, phản ánh đầy đủ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, truy đến cùng trách nhiệm của những cán bộ, đơn vị chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.
Trên thực tế, những năm gần đây, các kỳ họp của HĐND thành phố Hà Nội được cử tri rất quan tâm theo dõi, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Ở đó, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được nêu ra mà không hề có sự né tránh nào, buộc những người được giao quyền phải nhận trách nhiệm, đưa ra lời hứa và cam kết thực hiện lời hứa.
Mặt khác, khi trực tiếp chứng kiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri cũng thấy được trình độ năng lực, kiến thức, tâm huyết của cả người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình lẫn các lãnh đạo sở ban ngành, thậm chí cả lãnh đạo thành phố. Qua đó, cử tri và nhân dân sẽ phần nào đánh giá được những người đó có xứng đáng ngồi vào vị trí mà họ đang ngồi hay không.
Trong khi đó, đối với hình thức chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản, cứ tri và nhân dân khó có được cơ hội này, khi mà không ai dám chắc văn bản trả lời chất vấn có phải do người được chất vấn trực tiếp soạn thảo hay không. Nếu họ trả lời chung chung, vòng vo né tránh thì cũng rất khó để giám sát.
Nói một cách ví von, nếu chất vấn trực tiếp tại hội trường như một màn thi vấn đáp mà thí sinh là những người được giao quyền, hội đồng chấm thi là tất cả các đại biểu HĐND và cử tri, thì chất vấn bằng văn bản giống như thí sinh được mang bài tập về nhà làm, nếu không làm được có thể nhờ người thân giúp sức! Thi vấn đáp sẽ cho thấy được năng lực thực sự của thí sinh, còn làm bài tập về nhà khó ai mà biết được.
Từ lâu nay, Hà Nội đã trở thành hình mẫu khi là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức giao ban báo chí hàng tuần để cung cấp thông tin, giải đáp các vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm. Tương tự, các kỳ họp HĐND thành phố, trong đó có các phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình, được cử tri đón nhận và theo dõi sát sao.
Vì thế, thật tiếc khi kỳ họp lần này HĐND thành phố lại không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp để cử tri có cơ hội được biết những vấn đề mà mình quan tâm sẽ được giải quyết thế nào trong thời gian tới, trong khi đang có rất nhiều vấn đề người dân muốn biết, chẳng hạn như nguy cơ dừng dịch vụ hành chính công do chưa trả nợ Viettel; việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hậu Covid-19 ra sao…
Xét cho cùng, hoạt động chất vấn không chỉ đơn giản là việc hỏi, trả lời, mà đây là công cụ giám sát mạnh nhất của HĐND và các đại biểu đối với các cá nhân, cơ quan được giao quyền. Nó liên quan đến các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc và cần có biện pháp giải quyết tức khắc. Do đó, cử tri sẽ không thể chấp nhận sự dễ dãi hay thiếu nghiêm túc trong chất vấn cũng như trả lời chất vấn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận