Các học viên đang tham gia lớp học "Nghệ thuật quyến rũ" |
Học cách chia sẻ
Thoạt nghe, lớp học “Nghệ thuật quyến rũ” khiến người ta liên tưởng đến việc hướng dẫn “gái ngoan” những kỹ năng để …“dụ trai”. Nhưng trên thực tế, quá nửa thời gian của khóa học, Tiến sĩ Tâm lý Phan Thị Huyền Trân với nickname “Phù thủy hạt tiêu”, giúp các chị em học viên trò chuyện về những khúc mắc, bế tắc mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Câu hỏi đầu tiên của cô giáo “Phù thủy hạt tiêu” Phan Thị Huyền Trân - Pepper thường đặt ra cho các học viên khi bắt đầu buổi học luôn là “Điều gì khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình không có hạnh phúc?”.
Như Quỳnh (25 tuổi, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chị cả trong một gia đình toàn con gái. Bố cô đã ra ngoài kiếm con trai để “sau này chết còn có đứa chống gậy”. Nhưng rốt cuộc, ông nhận ra đứa con trai kia không phải máu mủ của mình. Chính vì thế bao điều u uất, bực dọc ông trút lên đầu mẹ Quỳnh. Những giọt nước mắt đầu uất hận, tủi nhục và chịu đựng của mẹ khiến Quỳnh “sợ” nghĩ tới việc yêu đương hay lập gia đình. Được bạn bè giới thiệu, Quỳnh quyết định đến lớp học Nghệ thuật quyến rũ để tìm ra giải pháp.
Ở lớp học này, hầu hết các học viên đều có những nỗi niềm, phiền muộn, những bế tắc không biết phải chia sẻ cùng ai. Có người vì áp lực công việc khiến họ kiệt sức. Có chị em u uất vì bị chồng phản bội. Và cũng chẳng hiếm những cô gái đang tuổi thanh xuân đang rụt rè trước ngưỡng cửa hạnh phúc, những khúc quanh của đường đời…
Đến với lớp học này, nhiều câu chuyện đời đầu uẩn khúc của họ được chia sẻ với hi vọng tìm được cho mình một giải pháp. Một cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn cũng đã từng run rẩy chia sẻ câu chuyện của mình. “Bố tôi mặc dù có nhiều cơ hội kiếm tiền ngoài luồng, nhưng tính tình liêm khiết nên ông đã từ chối. Mặc dù cuộc sống không thiếu thốn nhưng mẹ tôi suốt ngày ra rả nhiếc móc ông không biết cách kiếm tiền và luôn so sánh bố tôi với những người đàn ông khác. Hai người thường xuyên cãi vã, không khí gia đình như địa ngục. Dường như không chịu nổi, bố tôi đã ngoại tình. Ông không hề muốn về nhà. Lớn lên trong cái địa ngục ấy, tôi cảm thấy gia đình như một gánh nặng, thậm chí không dám lấy chồng…”.
Cứ với mỗi một câu chuyện, cô giáo Huyền Trân lại có một cách giải quyết thấu đáo để học viên tự nhìn lại mình, rồi tự tìm được cho mình một giải pháp phù hợp để thoát khỏi bế tắc.
Và học yêu thương
Thông thường, khi những bức xúc, năng lượng xấu của học viên được xả hết, cô Trân mới bắt đầu chuyển lớp học sang chủ đề chính là nghệ thuật quyến rũ. Ba bài tập về “ngôn ngữ đôi mắt, trang phục ấn tượng và cách phát năng lượng cơ thể” kết thúc buổi học nghệ thuật quyến rũ cơ bản trong sự thích thú của nhiều chị em. “Những phiền muộn của cuộc sống sẽ rút cạn kiệt năng lượng của bạn, khiến bạn không còn sức sống, không còn niềm vui. Một cô gái không có niềm vui từ trong tâm hồn thì chẳng bao giờ quyến rũ được ai cả”, TS. Huyền Trân lý giải.
“Phụ nữ Việt thường được giáo dục phải yêu thương cha mẹ, bạn bè, thầy cô nhưng thiếu hụt giáo dục yêu thương chính mình. Sau khi lập gia đình, chị em cứ hy sinh quá nhiều mà không quên mất bản thân cũng cần được nhận lại những giây phút thảnh thơi và sự yêu thương. Mỗi lần học viên khóc khi chia sẻ câu chuyện của mình, tôi lại thấy rất đau. Cùng câu chuyện đó nhưng rất nhiều chị em mắc phải. Cứ thế, năng lượng xấu trong người tích tụ lại khiến họ luôn phiền muộn, cáu gắt và tâm trạng không tốt đó cứ đẩy họ và bạn đời xa nhau. Có người chọn cách chịu đựng để nuôi con khôn lớn. Có chị em chịu đựng đến mức không thể chịu được nữa thì ngoại tình, tìm chân trời mới. Vậy họ và các con họ sẽ được nhận gì từ một gia đình như thế? Để hạnh phúc, thật ra bạn chỉ cần cho nhận yêu thương đúng cách”, TS. Huyền Trân nói.
Sau khi thải “độc tố” tâm hồn, những “cô gái ngoan” bắt đầu bứt phá, bước ra khỏi ranh giới của bản thân họ, có những quyết định mới mẻ cho cuộc đời mình. Đến đây học quyến rũ nhưng trở về nhà với hình ảnh những người phụ nữ vui vẻ, hạnh phúc.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận