Quản lý

Kỳ lạ nghề “bắt bệnh” xe bằng... búa

16/05/2016, 16:39

Trước khi được cầm búa để “nghe bệnh” những chiếc xe ô tô, họ phải có bằng kỹ sư, rồi trải qua thời gian...

15
Kiểm tra gầm xe là một trong những công đoạn khó và phức tạp

Trước khi được cầm búa để “nghe bệnh” những chiếc xe ô tô, họ phải có bằng kỹ sư, rồi trải qua thời gian khá dài học tập, sát hạch tay nghề. Nghề nghiệp không chỉ đòi hỏi ở họ trình độ kiến thức, kinh nghiệm, sự tâm huyết mà cả khả năng chịu đựng áp lực vô hình.

Hiểu xe qua tiếng… búa

“Đạp phanh, nhả. Đạp phanh… Phanh đỗ, kéo, nhả… Thôi. Truyền lực. Thôi”… Trong mớ âm thanh hỗn độn và nồng nặc khói, bụi của xưởng kiểm định thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-01V (Thanh Trì, Hà Nội), đăng kiểm viên (ĐKV) Trịnh Quang Lê chui gầm chiếc xe tải đang nổ máy và nói như hét lên để đồng nghiệp ngồi trên ca bin nghe thấy. Sau mỗi khẩu lệnh và thao tác của người vận hành xe, ĐKV Lê dùng chiếc búa có một đầu nhọn gõ gõ đủ mạnh vào các bu-lông, nhíp, tắc-kê hoặc hai bàn tay ôm chặt thanh truyền lực xoay, lắc mạnh. Khi tiếng búa vang lên, người thợ nghiêng hẳn một bên tai và tập trung các giác quan để “đọc” tình trạng kỹ thuật của xe.

Trong khi đó, ở dây chuyền kiểm định khác, một ĐKV kiểm tra phanh của một chiếc xe cần mẫn tiến xe lên, lùi xuống vài lần để lấy kết quả chuẩn xác nhất từ máy đo và cảm nhận của người trong nghề kiểm định chất lượng xe. Theo giới thiệu của các ĐKV, đó chỉ là 2 trong 5 công đoạn của quy trình kiểm định một chiếc xe ôtô, bắt đầu từ nhận dạng xe xem có đúng với giấy tờ, rồi đến công đoạn kiểm tra bánh lái, vô lăng, côn, phanh, hệ thống dẫn lái, gầm, khí thải…

"Các Tổ kiểm tra chuyên ngành thường đột xuất, bất ngờ phúc tra kết quả kiểm định gây áp lực cho ĐKV, đơn vị đăng kiểm, nhưng là biện pháp để duy trì kỷ cương, siết chặt chất lượng kiểm định. Các đơn vị đăng kiểm, ĐKV ngày càng ý thức hơn được trách nhiệm nghề nghiệp của mình."

Ông Đặng Trần Khanh
Phó phòng Kiểm định Chất lượng xe cơ giới

Mỗi ĐKV chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm định một công đoạn nhất định nhưng đòi hỏi tay nghề phải kiểm tra được ở tất cả các công đoạn. “ĐKV bắt bệnh xe ô tô có bằng thợ sửa xe giỏi không?”, tôi hỏi. ĐKV Lê cười bảo: “So sánh như vậy cũng khó nói, vì ĐKV nhận định tình trạng kỹ thuật xe qua thiết bị, quan sát và kinh nghiệm. Sau đó, căn cứ theo quy chuẩn để kết luận xe đủ điều kiện an toàn kỹ thuật lưu hành hay không, để thông báo cho chủ xe. Còn thợ sửa xe đoán xe hỏng ở bộ phận nào, có thể tháo rời các chi tiết và tìm nguyên nhân chính xác gây ra khiếm khuyết kỹ thuật khiến xe không đạt tiêu chuẩn an toàn”.

ĐKV Lê Nhật Nam của Trung tâm Đăng kiểm 29-01V cho rằng, ĐKV có trách nhiệm phải tìm ra chiếc xe có gì thêm, bớt hoặc khác so với thiết kế để chỉ ra cái sai cho chủ xe. Chẳng hạn, có những chiếc xe tải 3 cầu được lái xe lắp thêm xi-lanh phanh vào tổng phanh với mục đích phanh ăn hơn, nhưng ĐKV chỉ ra rằng như thế không an toàn, bởi nếu trong thời gian ngắn đạp phanh liên tục sẽ không duy trì được lượng hơi và làm mất hiệu quả phanh.

Ông Lê Văn Ngân, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01V cho biết, nhìn công việc của ĐKV có vẻ đơn giản nhưng muốn trở thành ĐKV phải có bằng kỹ sư chuyên ngành liên quan đến ô tô, rồi tiếp tục qua đào tạo, tập sự, sát hạch, thực tập và cấp chứng nhận chức danh ĐKV. Trước đây, định kỳ mỗi năm một lần (hiện tại 3 năm/lần), ĐKV lại phải qua sát hạch để tiếp tục được công nhận là ĐKV.

“Công việc kiểm định xe cơ giới đòi hỏi ĐKV không chỉ có nền tảng kiến thức, học tập bài bản mà cả sự tuân thủ nghiêm túc quy trình, kinh nghiệm, lòng yêu nghề mới giữ vững được tay nghề”, ông Ngân nói.

Và những áp lực vô hình

Khoảng hơn hai năm gần đây, những người trong nghề đăng kiểm xe cơ giới hẳn khá áp lực khi Cục Đăng kiểm VN quyết tâm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, loại trừ những hành vi xin - cho, nể nang và biểu hiện tiêu cực để siết chặt chất lượng kiểm định phương tiện. Bên cạnh giám sát bằng hệ thống qua camera, thu thập thông tin từ chủ phương tiện, dư luận, các Tổ công tác chuyên ngành của Cục Đăng kiểm VN thường xuyên phúc tra đột xuất (kiểm định lại) phương tiện tại một trung tâm đăng kiểm bất kỳ. Chỉ cần ĐKV đánh giá sai tình trạng thực tế của xe ở công đoạn kiểm định do mình thực hiện (hạng mục không đạt tiêu chuẩn nhưng kết luận đạt hoặc ngược lại) sẽ bị kỷ luật, đình chỉ công tác.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, biện pháp trên đã giúp các đơn vị đăng kiểm, ĐKV nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp và tinh thần phục vụ khách hàng; Tuy nhiên, cũng khiến không ít ĐKV phải chịu áp lực vô hình từ phía lái xe, chủ xe vốn có tâm lý xin - cho, suy nghĩ đăng kiểm chỉ là thủ tục hành chính thay vì để đảm bảo chất lượng xe. Do suy nghĩ đó mà có những đối tượng đã tấn công ĐKV ở một trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM, hoặc đánh người, mang hàng chục thanh dao kiếm đến một trung tâm đăng kiểm, đe dọa, dùng xe ngăn đường vào ở một số trung tâm đăng kiểm phía Bắc.

Giám đốc một đơn vị đăng kiểm ở phía Bắc (đề nghị không nêu tên) kể: “Có lần một cán bộ cơ quan Nhà nước đi đăng kiểm do đến muộn, phải chờ xếp hàng tới gần cuối giờ sáng vẫn chưa đến lượt kiểm định. Khi “xin” kiểm tra trước không được, vị cán bộ này đã phản ánh đến đường dây nóng của cơ quan chức năng rằng bị làm khó, tiêu cực”.

Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm khác kể: “Nhớ mãi trường hợp một lái xe sau khi đi rà lại má phanh và đến kiểm định lần thứ 3 xe vẫn không đạt, không kiềm chế được nên chửi, cho rằng bị làm khó dễ… Khi được ĐKV tư vấn nên tháo bộ phận tang trống và khắc phục được, sau đó lái xe này biết sai nên mới xin lỗi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.