Một căn nhà xây đối phó và được ví xấu tệ hơn "chuồng gà" của một cán bộ đang công tác tại tỉnh Gia Lai. |
Hơn 200 ngôi nhà vắng chủ
Ngày 3/8,UBND TP. Pleiku (Gia Lai) có báo cáo về việc thực hiện giao đất, kết quả kiểm tra hiện trạng khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại P. Thắng Lợi sau khi Báo Giao thông có bài viết phản ánh "Kỳ lạ khu nhà "5 không" ở Pleiku", đăng tải ngày 20/7.
Theo báo cáo, ngày 31/12/2013, UBND TP. Pleiku đã có quyết định giao đất cho 561 hộ gia đình, cá nhân tại Khu thu nhập thấp. Đến 27/4/2015, cơ quan Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện có 6 hộ được nhận đất này gian dối khi lập hồ sơ xin đất và đã thu hồi lại Quyết định cấp đất vào tháng 7/2015.
Gia Lai không thể làm ngơ! "Cần thanh tra, kiểm tra việc giao đất có sử dụng đúng mục đích không? Nếu kông đúng thì thu hồi giao đất cho các trường hợp có nhu cầu cấp thiết khác". "Đây là chính sách nhân văn nhằm giúp cán bộ viên chức nhà nước ổn định và yên tâm công tác. Thế nhưng, việc lợi dụng điều này để trục lợi rõ ràng là thiếu tư cách người cán bộ của nhân dân và cần phải nghiêm trị". Ý kiến một người dân có nhà trong khu dành cho người thu nhập thấp
|
Báo cáo về hiện trạng sử dụng đất cho thấy, hiện có 533 ngôi nhà đã được xây dựng (555 lô đã cấp), trong đó có 204 ngôi nhà được xây dựng nhưng không có người ở (bao gồm: nhà đã xây dựng hoàn thiện và một số ngôi nhà đang xây dựng dở dang, tường không tô, trát, mái không lợp tole, không có cửa sổ, cửa ra vào, cỏ mọc không có lối đi vào nhà...).
Liên quan đến hơn 200 ngôi nhà "5 không" (không cửa, không điện, không nước, không lối đi, không người ở), Báo Giao thông đã làm việc với một lãnh đạo của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai. Lãnh đạo Sở này cho rằng khu nhà "5 không" theo báo Giao thông phản ánh thực chất là sự "đối phó" để giữ đất của những người được cấp đất. Đại đa phần những ngôi nhà này là của các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong các cơ quan nhà nước tỉnh Gia Lai.
Đề cập đến vấn đề này, một cán bộ tỉnh Gia Lai cho rằng, TP. Pleiku cần phải truy chủ nhân 204 ngôi nhà "5 không" tại sao xây nhà kiểu này?
"Họ không ở thì phải trả lại đất lại cho Nhà nước để cấp cho người khác. Kiểu xây như thế này mất đi mĩ quan của thành phố và cũng làm mất đi tính nhân văn mà tỉnh Gia Lai ưu ái đối với những người có thu nhập thấp", cán bộ này gay gắt.
Một căn nhà xấu xí |
Năm 2013, tỉnh Gia Lai đã cấp 561 lô đất cho hộ gia đình, người có thu nhập thấp. Năm 2015, sau khiThanh tra phát hiện đã thu hồi 6 lô đất cấp không đúng đối tượng (còn 555 lô). Tháng 8/2017, TP. Pleiku báo cáo có 533/555 ngôi nhà được xây. Theo quy định tại điều 6, Quyết định số 21/2012 của UBND tỉnh Gia Lai (ban hành ngày 3/10/2012): Hộ gia đình, cá nhân được giao đất phải xây dựng trong vòng 18 tháng kể từ ngày ban hành giao đất, nếu không xây dựng nhà ở thì Nhà nước thu hồi. Như vậy còn 22 lô đất đã được cấp đất nhưng chưa xây dựng. Tỉnh Gia Lai cần thiết phải thu hồi để giao cho người xứng đáng được thụ hưởng. |
Nhà xây như "chuồng gà" để... giữ đất
Tiếp xúc với nhiều người dân đang sống tại khu đất dành cho người thu nhập thấp, nhiều người dân bày tỏ bức xúc.
"Các ngôi nhà xây đối phó để giữ đất ở đây thực chất là xây lên rồi chờ thời cơ để bán. Người ta lợi dụng chính sách để trục lợi rất nhiều. Người thuộc đối tượng chỉ bỏ ra 42 triệu đồng để có một lô sau đó bán đi cho người khác hưởng chênh lệch hơn trăm triệu ai mà không ham. Mà đất này đa phần là của cán bộ công chức nhà nước cả. Thiệt tình, họ muốn đất rồi còn muốn được tiền nữa. Họ đâu có biết xấu hổ với những người khó khăn thật sự!", một người dân nói.
Cũng tại khu đất này, một người dân đề nghị giấu tên cho biết: "Tôi mua suất đất với giá 200 triệu đồng từ một cán bộ nhà nước được cấp diện thu nhập thấp. Họ đã có nhà khác ở phố nên bán. Một số người khác đang có đất ở đây cũng mua lại của những cán bộ thuộc diện được phân nhưng không dùng đến".
Dẫn PV đi vòng quanh khu dân cư, người dân này tiết lộ thêm: "Tôi mua lô đất và ký hợp đồng mua bán bằng giấy viết tay. Ở đây, hầu hết người ta đều sang tay kiểu như vậy".
Khi phóng viên đặt vấn đề, nếu chính quyền biết việc chuyển nhượng đất này và yêu cầu thu hồi vì trái quy định thì sẽ thế nào?, người dân này hết sức lo lắng vì cho rằng việc mua đất ở của gia đình hiện nay là cần thiết bởi vì cá nhân cần đất và nhà ở.
Tuy nhiên, chị này vẫn lạc quan cho rằng: "Tôi mua giấy tờ viết tay, có ai biết đâu mà sợ. Đến hạn được chuyển đổi (10 năm sau khi giao đất - PV) thì thực hiện chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật thôi. Chứ nhà xây lên, gia đình đã đến ở, bao nhiều tiền của dành dụm cả đời đổ vào đây rồi chả nhẽ nhà nước lại đuổi tôi".
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi (Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai) xác nhận với phóng viên trên khu đất dành cho người thu nhập thấp thuộc địa bàn của phường có khoảng 200 ngôi nhà xây lên rồi để đó.
"Có những ngôi nhà nhỏ như "chuồng gà" nhìn rất phản cảm. Họ xây lên đối phó một cách lộ liễu chỉ để giữ đất gây lãng phí tiền của trong khi nhiều người thu nhập thấp không được ưu tiên mua đất xây nhà", ông Quang nói.
Ngoài ra, ông Quang cũng cho biết, cử tri của phường đã nhiều lần lên tiếng về việc này, lãnh đạo phường đã kiến nghị lên cấp trên vì không thuộc quyền giải quyết của địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận