Nhà máy nước Cộng Hoà được đầu tư khá hiện đại, đồng bộ
Vì sao dân thờ ơ với nước sạch?
Khoát tay chỉ vào hệ thống máy móc hiện đại, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Xí nghiệp nước Cẩm Phả (Công ty CP nước sạch Quảng Ninh) than thở: Với công suất 2.000m3 nước ngày/đêm, nhà máy được đầu tư rất hoàn thiện, có thể đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay (cuối năm 2018 – PV), công suất tiêu thụ chỉ đạt chưa đến 200m3/tháng với doanh thu tháng nào cao nhất là 1,350 triệu đồng/tháng (không bao gồm thuế, phí).
"Trong khi đó, tiền lương người lao động, chi phí thiết bị, vật tư vận hành nhà máy, tháng nào cũng hết gần 40 triệu đồng. Đến bây giờ, Công ty cũng chưa hiểu vì sao lúc chưa có nhà máy thì dân liên tục kiến nghị các ngành, các cấp phải cung cấp nước sạch cho dân. Giờ có nhà máy cấp nước sạch rồi thì lại rất ít hộ dùng", ông Cường băn khoăn và cho hay, cả xã Cộng Hòa hiện có tới 895 hộ (3.500 nhân khẩu) mà chỉ có 50 hộ dùng nước của nhà máy. Ngay cả trụ sở UBND xã Cộng Hoà, sau nhiều lần làm việc thì mãi đến tháng 5/2020 mới dùng nước máy, nhưng cũng chỉ tiêu thụ tháng cao nhất là 1,1 triệu đồng còn tháng thấp nhất là 192 ngàn đồng. .
Hệ thống cung cấp nước đã kéo đến tận nhà, nhưng nhiều hộ ở thôn Hà Tranh, xã Cộng Hoà vẫn không đấu nối để sử dụng
Dẫn chúng tôi vào thôn Hà Tranh, xã Cộng Hoà, anh Đồng Văn Anh, công nhân Nhà máy nước Cộng Hoà chỉ tay vào đường ống nước, công tơ nước đã lắp đến tận cổng từng gia đình nhưng nhiều hộ chẳng đấu nối vào để lấy nước. Có hộ đấu nối thì chỉ dùng chưa được 1 m3/tháng.
Khi PV hỏi vì sao không dùng nước sạch, anh Hà Văn Thắng, nhà ở đầu thôn Hà Tranh liền nói: "Đặt công tơ, nước kéo về đây rồi không lắp cút thì sao lấy được nước?". Nghe vậy, anh Đồng Văn Anh "sững người" mấy giây rồi giải thích: "Cái cút chỉ có 4.000 đồng, nhà máy đã lắp nước đến đây rồi, sao các bác không tự mua mà đấu vào? Nếu không thì các bác cứ bảo là chúng em giúp".
Còn chị Hà Thị Tấn (thôn Cầu Trắng) cho hay, gia đình kinh doanh nhà hàng, do giếng nước nhà chị khoan đúng chỗ toàn nước đá vôi, nên mỗi tháng chị phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua nước đóng bình về nấu nướng. Ngoài ra, do dùng nước đá vôi, nhiều thiết bị trong nhà chị nhanh hư hỏng, như bình nóng lạnh cứ vài tháng lại phải xúc, rửa một lần; các vòi nước, chậu rửa cũng thường xuyên bị đóng cặn, tắc nghẽn...
"Khi thấy các hộ dân bên kia đường được cung cấp nước sạch, cả nhà đều mừng vì sắp không phải "ăn đong nước nữa. Nhưng đến giờ vẫn chưa có đường ống nước bắc qua đường bên này để chúng tôi dùng", chị Tấn nói.
Chị Hà Thị Tấn than thở về thiết bị của gia đình thường xuyên bị đóng cặn do dùng nước khoan kém chất lượng
Địa phương và doanh nghiệp "đổ lỗi" cho nhau?
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngày 22/12/2014, để giải quyết kiến nghị của nhân dân TP Cẩm Phả về nhu cầu sử dụng nước sạch, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 7255/UBND-XD1 về đầu tư cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã: Dương Huy, Cẩm Hải, Cộng Hoà (TP Cẩm Phả); trong đó giao UBND TP Cẩm Phả lập và triển khai dự án đầu tư cấp nước cho từng xã bằng nguồn vốn ngân sách thành phố; và phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh để đưa dự án vào chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để thực hiện cơ chế hỗ trợ và lồng ghép các nguồn vốn cho đầu tư dự án...
Tuy nhiên, một thời gian dài sau đó không tìm được nguồn để triển khai các dự án cấp nước cho các xã nêu trên, ngày 21/3/2016, UBND TP Cẩm Phả đã làm việc với Công ty CP nước sạch Quảng Ninh để thống nhất phương án đầu tư cấp nước cho 3 xã: Dương Huy, Cẩm Hải, Cộng Hoà và được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý.
Hồ chứa khe Cả cung cấp nước cho Nhà máy nước Cộng Hoà
Ngày 3/10/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho nhân dân xã Cộng Hoà với tổng mức đầu tư là 23,199 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Techcombank là 10 tỷ đồng, số còn lại là vốn tự có của Công ty CP nước sạch Quảng Ninh, vốn vay thương mại và vốn huy động hợp pháp khác. Ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Công ty CP nước sạch Quảng Ninh đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, triển khai dự án và đưa Nhà máy nước Cộng Hoà vào hoạt động từ cuối năm 2018.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP nước sạch Quảng Ninh, cho biết: Doanh nghiệp thực hiện dự án này là nhằm mục đích đảm bảo an sinh xã hội cho TP Cẩm Phả. Tuy nhiên, dường như những kiến nghị của nhân dân về nhu cầu nước là không thực tế, bởi khi có dự án nước sạch đưa về, bà con không sử dụng. Điều đó dẫn đến thực trạng doanh nghiệp phải “nai lưng” ra chịu khoản lãi suất ngân hàng hơn chục tỷ đồng, còn nhà máy này chỉ có doanh thu mỗi tháng hơn triệu đồng.
Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Thưởng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cộng Hoà, TP Cẩm Phả vẫn khẳng định, dù ông mới về làm lãnh đạo xã từ cuối năm 2019, nên không biết cụ thể quá trình triển khai nhà máy như thế nào. Nhưng chắc chắn một điều là thời gian gần đây, nhiều bà con trong xã vẫn kiến nghị các ngành, các cấp về việc cấp nước sạch sinh hoạt.
"Thực tế hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn xã chưa có hệ thống đường ống cấp nước, vậy thì dân lấy nước kiểu gì? Chúng tôi cũng thấu hiểu là địa bàn xã rộng, dân cư sinh sống thưa thớt, việc đầu tư sẽ rất tốn kém và khó hiệu quả, nhưng khi triển khai xây dựng nhà máy thì doanh nghiệp phải nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng rồi mới làm chứ", ông Thưởng nói.
Nhiều hộ dân tại xã Cộng Hoà vẫn dùng nước giếng khoan khá sạch, nên chỉ số dùng nước máy đạt thấp
Còn ông Ngô Văn Lầu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cầu Trắng, xã Cộng Hoà thì chia sẻ: Thôn có 170 hộ dân thì có 120 hộ sinh sống bám Quốc lộ 18A. Từ khi Nhà máy nước Cộng Hoà đi vào hoạt động đến nay, thôn chỉ có 17 hộ được dùng nước sạch thường xuyên. Nguyên nhân là do đường ống cung cấp nước mới lắp đặt một bên đường. Mặt khác, một số hộ ở cuối đường ống không thể lấy được nước do chưa có thiết bị đấu nối. Chỉ cách đường ống có vài mét mà hàng chục hộ dân bên kia Quốc lộ 18A vẫn ngày ngày mong ngóng được cấp nước sạch.
"Thực tế thì có khó khăn gì trong việc lắp đường ống cho phía bên đường kia đâu. Chỉ cần luồn đường ống qua cống thoát nước sang là được, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy doanh nghiệp triển khai", ông Lầu khẳng định.
Ông Ngô Văn Lầu cũng lý giải về việc chỉ số công tơ tiêu dùng nước của các hộ đạt thấp là do nhiều gia đình có giếng khoan khá hợp vệ sinh, nên chỉ dùng nước máy để đun, nấu để tiết kiệm tiền nước…
Dường như chưa tìm được tiếng nói chung, chưa khảo sát kỹ thực tế đang là nguyên nhân khiến người dân Cộng Hòa chưa "mặn mà" với nguồn nước sạch được đưa về.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận