Nhiều ngôi nhà lớn nằm trên đồi cao, tầm nhìn đẹp được bán với giá 1 euro
Nếu như ở Hong Kong hay Singapore, tấc đất là tấc vàng, người dân phải tranh nhau, đấu giá khi mua từ chỗ đỗ ô tô chứ chưa nói đến nhà chung cư thì điều lạ lùng lại đang xảy ra ở Italy. Có những thị trấn tại đất nước hình chiếc ủng, chính quyền địa phương giao bán cả căn nhà trên những hòn đảo có tầm nhìn ra biển rất đẹp, với giá chỉ 1 euro (tương đương 27.000 VNĐ) nhưng vẫn chẳng mấy người muốn mua.
Cạnh tranh bán nhà 1 euro vì đâu?
Vài năm gần đây, trên CNN (Mỹ) hay nhiều tờ báo Italy như The Local, người ta thường thấy những thông tin rao bán nhà tại các thị trấn của Italy với giá cực sốc chỉ 1 euro. Có thể kể đến thị trấn Troina trên đảo Sicilia, thị trấn Mussomeli, tỉnh Caltanissetta và Zungoli, tỉnh Avellino.
Tại mỗi nơi, quy định mua nhà có chút khác nhau nhưng nhìn chung đều yêu cầu người mua phải nộp một khoản đặt cọc từ 2.000 - 5.000 euro (khoảng 2.380 - 5.950 USD) và số tiền này sẽ được trả lại khi chủ mới chính thức chuyển về sống.
Để cạnh tranh trên thị trường nhà đất với mức giá đã giảm kịch sàn, thị trấn Laurenzana, nằm ở vùng Basilicata, phía Nam Italy còn đưa thêm ưu đãi như bỏ hết các quy định đặt cọc như trên, hỗ trợ hết sức cho người mua, giảm thiểu tối đa các chi phí thủ tục và cho phép người mua hưởng thuế địa phương tương đối thấp tại khu vực Nam Italy.
Chia sẻ với hãng tin CNN, Thị trưởng Laurenzana - ông Michele Ungaro cho biết: “Chúng tôi muốn giúp những người mới chuyển đến mua được ngôi nhà họ mơ ước mà không cần phải lo lắng về các quy định khắt khe hay thủ tục phức tạp”.
Laurenzana đang rao bán 10 căn nhà thuộc trung tâm lịch sử của thị trấn với diện tích từ 40 - 150m2.
Mặt khác, các thị trấn trên đều có quy định ràng buộc với người mua nhà 1 euro như bắt buộc phải hoàn thành quá trình sửa sang trong 1 khung thời gian nhất định. Người mua phải khởi công trong vòng 3 tháng sau khi ký hợp đồng mua bán, hoàn tất xây dựng trong vòng 3 năm. Một số thị trấn yêu cầu chủ sở hữu mới phải nộp bản thiết kế sửa nhà để chính quyền địa phương duyệt thông qua trước khi tiến hành.
Lý do nhiều thị trấn của Italy phải rao bán hàng loạt bất động sản đồng giá 1 euro là bởi các địa phương này đang đứng trước nguy cơ bị bỏ hoang, nhiều người dân đã rời bỏ nơi đây tìm đến những chỗ khác để làm ăn sinh sống.
Những ngôi nhà mà chính quyền các địa phương rao bán đều đã bị chủ nhân bỏ không hàng chục năm, xuống cấp, xiêu vẹo, đổ nát, gây mất an toàn cho cộng đồng.
Giá thấp, nhiều ưu đãi nhưng vẫn ế
Dù giá nhà rẻ như cho, cơ chế thuế thấp, chính sách ưu đãi lại quá “hời” như vậy nhưng những ngôi nhà 1 euro tại Italy vẫn “ế”. Đó là bởi, nhiều người mua không muốn bị dính vào các vụ kiện tụng phức tạp, không có hồi kết khi chủ cũ của ngôi nhà trở về.
Thực tế, trước khi rao bán, chính quyền địa phương phải lên kế hoạch và liên lạc với chủ cũ của căn nhà dù họ ở trong nước hay nước ngoài, qua các cơ quan ngoại giao, thông qua phương tiện truyền thông hoặc nhiều kênh liên lạc khác để nắm rõ mong muốn của gia chủ.
Nhưng, có nhiều trường hợp, sau khi giới chức gửi thông báo tới hàng chục lần mà không có hồi đáp, họ quyết định xúc tiến thủ tục bán cho chủ mới thì chủ nhân cũ hoặc người thừa kế ngôi nhà lại đột ngột tìm về và kiện tụng.
Câu chuyện của gia đình cô Josie Faccini là một ví dụ. Bà nội cô Josie Faccini là Consilia Scapillati, đã di cư sang Canada từ những năm 50 của thế kỷ trước, để lại ngôi nhà bằng đá ngay giữa trung tâm lịch sử của thị trấn Castropignano, vùng Molise, Italy.
Từ đó đến nay, gia đình cô thỉnh thoảng vẫn về thăm nhà. Nhưng một ngày, cô bất ngờ đọc được thông tin chính quyền Castropignano đã thu hồi tài sản và bán nhà của mình. Faccini đã đệ đơn kiện và đấu tranh suốt nhiều tháng để lấy lại nhà ông bà tổ tiên để lại nhưng không thành.
Ngoài câu chuyện của Faccini, rất nhiều gia đình khác là chủ cũ của các căn nhà bị chính quyền địa phương rao bán cũng bức xúc và kiện cáo. Song, đa phần các vụ kiện khó thành vì thời gian lâu, khoảng cách địa lý xa cũng như mức độ của vụ kiện phức tạp. Trong khi đó, chủ mới vô hình chung bị rơi vào mớ bòng bong này.
“Để giải quyết vấn đề, một số thị trấn như Mussomeli phải thành lập một cơ quan để giải quyết tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới, nhờ đó bán thành công hàng trăm căn nhà 1 euro”, Phó thị trưởng Mussomeli, ông Toti Nigrelli chia sẻ.
Hãng tin CNN dẫn lời ông Emiliano Russo, luật sư bất động sản, giảng viên thỉnh giảng tại Trường kinh doanh Luiss cho biết, việc chính quyền địa phương rao bán tài sản bỏ không của người dân là hoàn toàn dựa trên cơ sở luật pháp của nước này. Tại Italy, bất cứ ai sở hữu bất động sản đều phải có trách nhiệm bảo trì để không gây hại tới người khác. Nếu không, họ sẽ bị phạt và tịch thu tài sản đó, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Thậm chí, theo ông Russo, chính quyền địa phương còn có thể kiện chủ sở hữu hoặc người thừa kế tài sản lên tòa hoặc dùng quyền để yêu cầu bồi thường hoặc tịch thu tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận